Theo đó, để phòng ngừa bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, các cán bộ cơ sở tham gia quá trình hỗ trợ cách ly và giãn cách xã hội phòng chống COVID-19 cần trao đổi với các gia đình về các hình thức bạo lực trẻ em và phụ nữ.
Cùng với đó, tư vấn cho các thành viên người lớn trong gia đình cách phòng ngừa bạo lực, xâm hai trẻ em. Cần động viên thành viên trong gia đình giữ bình tĩnh khi mọi người cảm thấy rất căng thẳng và có khả năng mất bình tĩnh thì hãy dừng lại 10 giây và hít thở chậm rãi 5 lần; Tránh không hành động lúc cáu giận; Tuyệt đối không trừng phạt bằng cách đánh đập, dùng lời lẽ xúc phạm hoặc xa lánh trẻ.
Mỗi gia đình cần đặt ra các quy tắc rõ ràng và giải thích để trẻ hiểu rằng trẻ cần phải thực hiện và tuân thủ những quy tắc đó.
Ngoài ra, người lớn cần kiên nhẫn, dành thời gian để nói chuyện với trẻ để tìm hiểu lý do và giúp trẻ điều chỉnh nếu trẻ không hợp tác.
Nhắc nhở họ hướng dẫn và quản lý việc trẻ vào mạng Internet đảm bảo phù hợp với mục đích và nhu cầu chính đáng của trẻ để tránh những nguy cơ trên trẻ bị xâm hại trên mạng. Khuyến khích họ tự biết chăm sóc bản thân, giải tỏa căng thẳng, trong đó có việc chia sẻ với người mà họ tin cậy.
Tư vấn cho các thành viên người lớn trong gia đình cách phòng ngừa bạo lực với phụ nữ bằng cách như để ý những dấu hiệu của người chồng trước khi gây bạo lực.
Ngoài ra, cán bộ cơ sở cũng phải tư vấn cho các thành viên người lớn trong gia đình cách xử lý khi bạo lực xảy ra với trẻ em và phụ nữ bằng cách nói không và yêu cầu người gây bạo lực dừng lại một cách kiên quyết.
Người bị bạo lực nên tìm cách tự bảo vệ an toàn cho mình và các con, ngay cả khi có thể phải thỏa hiệp tạm thời với người gây bạo lực và tìm cách thoát ra khỏi nơi xảy ra bạo lực ngay lập tức và càng nhanh càng tốt.
Gọi điện thoại cho cơ quan công an, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương, UBND các cấp, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và các cơ quan có thẩm quyền gần nhất, các cơ sở dịch vụ thiết yếu để thông báo và để yêu cầu được giúp đỡ, bảo vệ.