Bệnh lý sa sút trí tuệ là một bệnh lý phổ biến, thông thường có những dấu hiệu cảnh báo như sau: Bệnh nhân giảm trí nhớ; Khó khăn khi thực hiện các công việc đã rất quen thuộc; Biểu đạt ngôn ngữ trở nên khó khăn hơn; Không có khái niệm về thời gian, nơi chốn; Việc đánh giá tình huống bị giảm; mọi hành vi và thái độ trở nên thay đổi hơn so với trước; Thị giác và không gian trở nên khó khăn hơn để hiểu; Không muốn tiếp xúc với xã hội và người xung quanh.
Bệnh này có nhiều nguyên nhân gây ra như bệnh lý thoái hóa thần kinh - Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất. Tiếp đến là các bệnh lý liên quan đến mạch máu, cụ thể là đột quỵ.
Ngoài ra, một số nhóm bệnh như nhiễm trùng thần kinh, thiếu vi chất dinh dưỡng cũng mang đến những biểu hiện tương tự bệnh lý sa sút trí tuệ.
Theo BS CKII Tống Mai Trang - Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, bệnh sa sút trí tuệ không phải là hiện tượng lão hóa tự nhiên, các biểu hiện của hội chứng này đều mang tính chất bệnh lý.
Bệnh sa sút trí tuệ cần có thời gian dài để điều trị và can thiệp chuyên sâu về thần kinh. Từ đó các bác sĩ mới chẩn đoán chính xác, đánh giá tình trạng của người bệnh một cách toàn diện.
Đồng thời, đánh giá chính xác về trí nhớ, khả năng tư duy, sử dụng ngôn ngữ, tình huống và mức độ tập trung của người bệnh.
Điều đáng mừng là sa sút trí tuệ có thể phòng ngừa được ngay từ sớm bằng cách xây dựng một lối sống lành mạnh, hạn chế các thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu bia, căng thẳng kéo dài…