Chiêm ngưỡng tòa lâu đài hoa lệ bên bờ sông An Cựu xứ Huế

Linh Boo |

Cung An Định ở Huế được ví như một cung điện châu Âu, kiến trúc hiện đại, mang nét khác biệt với các công trình kiến trúc cùng thời ở cố đô.

Tọa lạc tại số 179 Phan Đình Phùng, Phú Nhuận, thành phố Huế, cung An Định còn có tên là phủ An Định. Công trình này được xây vào năm 1902, trở thành nơi ở riêng cho hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Đảo, sau là vua Khải Định.

Cung An Định hiện còn 3 công trình khá nguyên vẹn là Cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường. Ảnh: Quảng An
Cung An Định hiện còn 3 công trình khá nguyên vẹn là Cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường. Ảnh: Quảng An

Cung điện nằm ở bờ bắc sông An Cựu này là nơi hoàng tử duy nhất của vua Khải Định và Đức Từ Cung ra đời. Đó chính là vua Bảo Đại sau này, tên húy là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy.

Khi lên ngôi, vua Khải Định dùng tiền riêng mở rộng phủ An Định lên đến 23.463 mét vuông trong hai năm 1917-1918. Tu sửa và xây dựng thêm một số công trình mới theo phong cách Tây phương với nguyên vật liệu là bê-tông cốt thép.

Tất cả có hơn 10 công trình lớn nhỏ, bao gồm Bến thuyền, Cửa cung, lầu Khải Tường, đình Trung Lập, nhà hát Cửu Tư Đài, hồ nước, chuồng thú... Bị thời gian và chiến tranh bào mòn, sau hơn 100 năm, hiện nay cung chỉ còn lại ba công trình là cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường.

 
Cung An Định mang nét đẹp giao thoa văn hóa Đông - Tây, theo lối kiến trúc tân – cổ điển đầu thế kỷ 20. Ảnh: Linh Boo

Năm 1922, hoàng tử Vĩnh Thụy được phong làm Đông cung Hoàng Thái tử và chuyển qua sinh hoạt ở cung An Định. Sau quãng thời gian du học tại Pháp, năm 1934, vua Bảo Đại kết hôn với hoàng hậu Nam Phương, hạ sinh hoàng tử Bảo Long. Bảo Đại phong con trai là Đông cung Hoàng Thái tử và ban tặng cung An Định.

 
Cung An Định lưu giữ gần 100 tư liệu hình ảnh, hiện vật gắn liền với giai đoạn cuối của triều Nguyễn, đặc biệt là Hoàng đế Khải Định và gia đình Hoàng đế Bảo Đại. Ảnh: Linh Boo

Từ đó đến năm 1945 khi vua Bảo Đại thoái vị, cung An Định là biệt cung hoa lệ thường tổ chức những cuộc tiếp tân trọng thể của triều đình, bao gồm thân quyến hoàng gia, đình thần và các gia đình quan chức chính phủ bảo hộ Pháp.

Từ cổng chính đi vào, giữa sân là đình Trung Lập hình bát giác, mái dạng cổ lầu hai lớp. Công trình này rất quen thuộc ở triều Nguyễn, thường thấy ở các lăng tẩm, phủ đệ, có vai trò như tấm bình phong. Trong đình có tượng đồng vua Khải Định được đúc từ năm 1920, theo kích thước 1:1.

Các thiết kế mang phong cách châu Âu được tô điểm bằng những hoa văn, họa tiết truyền thống cung đình. Ảnh: Linh Boo
Các thiết kế mang phong cách châu Âu được tô điểm bằng những hoa văn, họa tiết truyền thống cung đình Huế. Ảnh: Linh Boo

Lầu Khải Tường là công trình ấn tượng nhất, có lối kiến trúc mang đậm âm hưởng châu Âu. Lầu có ba tầng, với 22 phòng lớn nhỏ. Mặt trước được trang trí cầu kỳ, đan xen giữa các họa tiết phong cách Roman cận đại với họa tiết cung đình phương Đông.

Không gian bên lầu Khải Tường được trang trí lộng lẫy. Đại sảnh gây ấn tượng với sáu bức tranh tường sinh động về sáu lăng tẩm: từ lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh và chính lăng vua Khải Định. Đây đều là những kiệt tác nghệ thuật Việt Nam đầu thế kỷ 20.

Đằng sau lầu Khải Tường có một khuôn viên xanh mát, cây cối um tùm. Nổi bật nhất là Bạch Trà Viên được xây dựng trong khuôn viên này, để phục vụ công tác quay bộ phim “Gái già lắm chiêu V”. 

Vườn cây trong cung điện. Ảnh: Linh Boo
Vườn cây trong cung điện. Ảnh: Linh Boo

Năm 2022, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiếp nhận khoản viện trợ không hoàn lại dự án "Tu bổ mái Khải Tường Lâu - Cung An Định, Huế". Khoản viện trợ dự án do Bộ Văn hóa - Chính phủ Pháp thông qua Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tài trợ trị giá gần 850 triệu đồng.

Theo đó, trung tâm tổ chức triển khai thực hiện khoản viện trợ nâng cao diện mạo khang trang, sạch đẹp của công trình, trả lại vẻ đẹp vốn có của công trình, tạo điểm nhấn tham quan du lịch kết nối với các điểm tham quan khác thuộc Quần thể Di tích Huế.

Đồng thời góp phần phục vụ rộng rãi cho cộng đồng địa phương, khách tham quan quốc tế, nhà nghiên cứu, sinh viên, học sinh đến tham quan, nghiên cứu, học tập.

Khải Tường Lâu - Cung An Định cũng là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa Festival Huế, giao lưu văn hóa nghệ thuật hàng năm của tỉnh Thừa Thiên Huế. Cung mở cửa từ 7h đến 17h hàng ngày. Phí tham quan 50.000 đồng/người.

Linh Boo
TIN LIÊN QUAN

Khám phá rừng Rú Chá ngập mặn hoang sơ xứ Huế

Chí Long |

Rừng nguyên sinh Rú Chá là khu rừng ngập mặn duy nhất còn lại trong hệ đầm phá Tam Giang, Thừa Thiên - Huế.

Đạp xe tuần hành hưởng ứng Tuần lễ Áo dài Cộng đồng Huế 2023

NGUYỄN LUÂN |

HUẾ - Các cơ quan và đơn vị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đạp xe tuần hành trong trang phục áo dài truyền thống, tạo không khí rộn ràng trên những cung đường thơ mộng của TP. Huế.

Mênh mang sông nước trên đầm Chuồn xứ Huế

Linh Boo |

Đầm Chuồn không chỉ sở hữu khung cảnh sông nước hữu tình mà còn có đặc sản độc nhất vô nhị hấp dẫn du khách thập phương đến với Huế.