Miền Bắc
Thịt đông
Thịt đông là món riêng có của miền Bắc khi vào mùa đông xuân. Món ăn được làm từ thịt ba chỉ, bì lợn, có khi có cả tai, mũi lợn hoặc thịt gà, ninh nhừ cùng nấm, mộc nhĩ, dậy mùi thơm của tiêu. Khi nấu xong, thịt được để nguội và dưới cái lạnh của miền Bắc, món thịt sẽ đông lại, trong suốt. Thịt đông thơm ngon khi ăn cùng cơm nóng, dưa hành muối chua, chuẩn vị Tết Bắc.
Canh măng khô
Tết của người dân miền Bắc luôn có bát canh măng. Mọi người thường nấu măng khô với móng giò, xương sườn hoặc gà được ninh kĩ. Măng khô được ngâm rửa sạch, luộc chín 2 - 3 lần rồi xé sợi và nấu cùng với nồi xương đã ninh cho đến khi măng mềm nhừ, ngấm gia vị. Món canh được ăn nóng, cùng với hành lá, mùi tàu thái nhỏ.
Giò
Mâm cỗ Tết miền Bắc không thể thiếu đĩa giò. Giò được làm từ thịt giã nhuyễn, nêm gia vị, gói chặt theo hình ống, buộc bằng lạt giang rồi luộc hoặc hấp chín. Giò được cắt khoanh tròn, thái miếng vừa ăn, bày trí sao cho gọn và đẹp mắt.
Miền Trung
Tôm chua
Một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người miền Trung là tôm chua - đặc sản xứ Huế. Tôm chua được ngâm chín tới, có màu đỏ ửng, vị chua, thơm mùi tỏi, riềng. Món này càng để lâu sẽ càng chua, có thể trộn với đường cát trắng để thêm vị ngọt và thường được ăn cùng với thịt luộc.
Ba chỉ ngâm mắm
Thịt ba chỉ được sơ chế, ngâm vào nước mắm đường đã được pha nấu vừa ăn trong các hũ thủy tinh. Khi ăn, thịt được cắt lát và bày biện ra đĩa, ăn kèm với dưa món, có thể dùng trong nhiều ngày.
Nem chua
Đến chơi Tết tại miền Trung, bạn sẽ được thiết đãi món nem chua đặc sản cùng gia chủ. Nem chua được làm từ thịt lợn, bì, tẩm ướp gia vị và gói lại trong lá ổi, để vài ngày cho lên men chín tự nhiên, Khi ăn có vị chua thanh, cay cay, giòn và thơm mùi lá ổi, tỏi ớt. Trong mâm cỗ Tết người miền Trung, món nem chua vừa là “mồi” để nhâm nhi với ly rượu nồng, vừa là món chống ngán và là quà để tặng cho khách tới chơi.
Miền Nam
Canh khổ qua
Người miền Nam quan niệm rằng, Tết đến ăn canh khổ qua để khiến “cái khổ” sẽ “qua” đi, xua đi những khổ cực trong năm cũ, đón một năm mới tốt lành, hạnh phúc hơn. Món canh được nấu đơn giản với khổ qua, bên trong là nhân thịt lợn băm nhuyễn cùng nấm, mộc nhĩ và hành. Nhiều nơi còn trộn với chả cá để phần nhân được tăng độ dai. Để giữ cho phần nhân không bị rơi ra ngoài khi nấu, người ta thường dùng hành lá để buộc lại. Nước dùng là nước xương hầm, món canh khổ qua ngon khi nước dùng thanh ngọt và khổ qua không quá đắng.
Thịt kho tàu
Thịt kho tàu là món ăn từ lâu đã gắn bó với ngày Tết miền Nam. Dân gian cho rằng, miếng thịt vuông, quả trứng tròn là tượng trưng cho sự vuông tròn của đất trời, nếu ăn vào dịp năm mới thì sẽ có một năm đủ đầy, tròn vẹn. Thịt ba chỉ được cắt thành miếng vuông vừa ăn, kho mềm cùng nước dừa và trứng, thấm đẫm vị ngọt thơm và có màu nâu đỏ đẹp mắt. Thịt kho tàu là món ăn đậm đà, thường ăn kèm với củ kiệu ngâm, và được nhiều người ưa thích dịp Tết.
Lạp xưởng
Lạp xưởng là món ăn phổ biến của người miền Nam khi Tết đến. Lạp xưởng được làm từ thịt nạc, thịt mỡ xay nhuyễn, trộn với đường, rượu và ngồi vào ruột lợn khô để lên men, chín tự nhiên và có vị ngọt. Với nhiều gia đình, mâm cỗ Tết mà thiếu sắc đỏ của lạp xưởng thì Tết không trọn vẹn, bởi họ quan niệm rằng, màu đỏ ấy là màu của may mắn, ăn lạp xưởng là “ăn sự may mắn” cho năm mới.