Tour đêm cung cấp một trải nghiệm thú vị và khác biệt so với du lịch vào ban ngày. Đặc biệt ở những địa điểm có tầm vóc kiến trúc hay văn hoá đồ sộ, các tour đêm sẽ đem lại cho du khách những khám phá mới lạ, chạm đến nhiều giác quan, cảm xúc.
Phát triển các tour du lịch văn hoá, trải nghiệm về đêm đang được nhân rộng tại Hà Nội. Đến nay, một số địa điểm tổ chức tour du lịch đêm có thể kể tới như Nhà tù Hoả Lò, Hoàng Thành Thăng Long và Bảo tàng Văn học Việt Nam…
Cụ thể, tour “Đêm thiêng liêng” tại Nhà tù Hoả Lò khai trương vào tháng 6.2020, tạo nên trào lưu đối với giới trẻ những năm gần đây. Khu di tích lựa chọn hình thức diễn kịch tái hiện lịch sử, tích hợp âm nhạc vào phần thuyết minh, cùng với điểm nhấn là đặc sản bánh bàng, trà bàng chỉ được phục vụ tại tour đêm Hoả Lò.
Trong khi đó, tour đêm du lịch văn học “Chữ Tâm Chữ Tài” tại Bảo tàng Văn học Việt Nam cũng lựa chọn hình thức kịch nói để dựng lại trích đoạn truyện ngắn “Chí Phèo”, thêm vào đó là phần nghe bài hát phổ nhạc từ thơ và kết thúc hành trình là trò chơi giải mã văn tự.
Còn tour đêm Giải mã Hoàng Thành Thăng Long kéo dài khoảng 1,5 giờ vào dịp tối cuối tuần. Đến với tour, du khách không chỉ chiêm ngưỡng không gian lịch sử đậm chất cung đình, dưới ánh sáng lung linh, huyền ảo mà còn trải nghiệm những hoạt động thú vị, hấp dẫn.Hành trình tour đưa du khách thăm nhà trưng bày hiện vật Thăng Long – Hà Nội. Tại đây, du khách sẽ được tìm hiểu, nghe thuyết minh về những cổ vật, kiến trúc, trang trí cung điện qua các thời kỳ lịch sử...
Mới nhất, tour đêm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám chính thức đón khách từ đầu tháng 11. Chương trình áp dụng công nghệ 3D Mapping, tận dụng không gian của khu tham quan để kể lại câu chuyện về lịch sử Đạo học.
Chia sẻ về xu hướng phát triển tour du lịch đêm, nhà văn Nguyễn Trương Quý cho rằng buổi đêm có thể khoác lên một lớp áo khác biệt cho cảnh quan, với con người. Ban đêm có chức năng tái tạo cảm giác, khi người ta có nhu cầu được giải trí, được thư giãn.
“Du lịch đêm vừa có thể tận dụng mặt bằng của những không gian văn hoá đã có để thoả mãn nhu cầu ấy vừa phát huy được tiềm năng kinh tế, năng lực của những người làm dịch vụ, để những khoảng thành phố có thêm sức sống, bớt lãng phí không gian cộng đồng”, ông phân tích.
Dù vậy, theo nhà văn, không phải địa điểm nào cũng có thể phát triển tour đêm. Chương trình phải gắn với chức năng của không gian ấy, với năng lực của cơ quan quản lý không gian và nhu cầu thực sự của du khách.
“Những tour đêm thành công hiện nay đang ở trong những không gian nằm gọn trong một khu vực, không gây vấn đề ô nhiễm tiếng ồn hay cản trở hoạt động bình thường của người dân. Nếu làm tour đêm ở những khu vực mở hơn như trên phố, khi mà các hoạt động sinh hoạt chồng lấn lên nhau thì phải rất cẩn trọng trong việc thực hiện” - nhà văn Nguyễn Trương Quý chia sẻ.
Trong khi đó, từ góc nhìn của những người trực tiếp làm tour đêm tại Bảo tàng Văn học, TS Đỗ Thị Thanh Nga (Viện Văn Học) cho rằng: “Khó khăn của việc phát triển tour đêm nằm ở lực lượng tham gia vận hành tour. Ví dụ, diễn viên tham gia tiểu phẩm kịch cho tour đêm là các sinh viên, chỉ có thể cộng tác trong một thời gian ngắn”.
Một khó khăn nữa chính là thách thức trong việc đổi mới, sáng tạo làm sao để tour hiện tại hoặc tương lai có thể thu hút và phù hợp với nhu cầu của du khách, tận dụng hiệu quả nguồn hiện vật cũng như không gian của bảo tàng.