Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) nhận định chính sách thị thực là một trong những thủ tục quan trọng nhất của chính phủ ảnh hưởng đến hoạt động du lịch quốc tế. Việc phát triển các chính sách và thủ tục cấp thị thực cũng như các loại giấy tờ thông hành quan trọng khác như hộ chiếu, gắn liền với sự phát triển của ngành du lịch.
Visa là cánh cửa đầu tiên
Thực tế, khách du lịch coi thị thực (visa) là một thủ tục có tính phí trong hành trình du lịch. Nếu quá trình xin visa rườm rà, có thể bao gồm những yếu tố như chi phí cao, khoảng cách xa xôi, thời gian xếp hàng chờ đợi và quy trình phức tạp, khách du lịch tiềm năng sẽ có xu hướng chọn một điểm đến dễ dàng tiếp cận hơn. Nói cách khác, visa là một trong những điểm cạnh tranh đầu tiên trong cuộc đua hút khách quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị "Mở visa, phục hồi du lịch" ngày 10.3, ông Trịnh Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc thương mại Vietnam Airlines đánh giá trong cùng khu vực Đông Nam Á, du khách sẽ chọn lựa nước nào dễ nhập cảnh nhất, visa chính là yếu tố tạo ra cạnh tranh điểm đến. Một số nước trong ASEAN khi miễn visa đã thu hút lượng du khách tăng gấp đôi, như Thái Lan.
"Với kinh nghiệm trong ngành hàng không, những nước miễn visa, có đường hàng không bay thẳng thì trong vòng 3 năm, lượng hành khách tăng lên gấp đôi, chứ không phải tăng lên mức độ trung bình 5 - 10%", ông Thành nhấn mạnh.
Nghiên cứu của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) và UNWTO đối với các quốc gia G20 cho thấy tạo chính sách thuận lợi về thị thực đã làm tăng lượng khách du lịch quốc tế từ 5-25% mỗi năm.
Báo cáo về tác động của chính sách visa thuận tiện của WTTC năm 2019 xác định tác động trung bình từ các thay đổi chính sách visa, theo đó miễn visa dẫn đến nhu cầu du lịch tăng 16,6%, còn giới thiệu các loại visa mới dẫn đến nhu cầu tăng 8,1%.
Không ít quốc gia ghi nhận những con số ấn tượng nhờ thay đổi chính sách visa. Indonesia chuyển sang miễn thị thực 30 ngày cho 169 quốc gia vào năm 2015, dẫn đến nhu cầu du lịch inbound tăng 24% và tạo ra 400.000 việc làm.
Tương tự, Ấn Độ triển khai e-visa cho hơn 40 quốc gia trong năm 2014-2015 đã dẫn đến mức tăng 21% về khách inbound và tạo ra 800.000 việc làm. Mexico triển khai cấp thị thực qua bên thứ ba vào năm 2010 và 2011 đã dẫn đến nhu cầu du lịch inbound tăng 17% và tạo ra 190.000 việc làm.
Mở visa để nhanh chóng "tái sinh" du lịch hậu COVID-19
Trả lời Lao Động, PGS.TS. Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định trong COVID-19, nhiều nước đã dùng các chính sách đòn bẩy khác nhau liên quan đến thị thực. Đơn cử, du khách của mọi quốc gia đến “thiên đường du lịch” Maldives không cần xin visa trước mà được cấp thị thực miễn phí trong 30 ngày.
Quốc đảo Seychelles miễn thị thực cho tất cả công dân các nước. Có diện tích chỉ bằng 1/700 Việt Nam, năm 2019, Seychelles đã đón gần 450.000 lượt khách quốc tế và thu về xấp xỉ 618 triệu USD. Hàng năm du lịch gián tiếp hoặc trực tiếp tạo ra khoảng 72% GDP; khoảng 70% tổng thu nhập ngoại hối và hơn 30% việc làm cho quốc gia này.
Malaysia hiện miễn visa cho công dân 162 quốc gia. Năm 2022, ngành du lịch Malaysia đón hơn 7 triệu lượt khách quốc tế, gấp đôi Việt Nam.
Singapore cũng là đất nước có chính sách thị thực hấp dẫn hàng đầu thế giới khi miễn visa cho công dân 162 nước, trong khi công dân của những nước còn lại có thể xin e-visa nhanh chóng với đa dạng các loại hình từ ra vào 1 lần đến nhiều lần trong thời hạn 2 năm.
Trong khu vực, các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với chúng ta như Thái Lan đã nới rộng thời gian lưu trú đến 45 ngày cho công dân 65 quốc gia; Philippines miễn thị thực cho 157 quốc gia.
"Đây là những nỗ lực thiết thực để các quốc gia trên tận dụng cơ hội vàng, nhanh chóng “tái sinh” ngành du lịch hậu COVID-19", PGS.TS. Phạm Hồng Long đánh giá.
Ông Long dẫn Theo Báo cáo xếp hạng Chỉ số năng lực phát triển Du lịch và lữ hành (TTDI) năm 2021 được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 24.5.2022. Theo đó, du lịch Việt Nam đã có bước cải thiện lớn khi tăng lên 8 bậc từ vị trí 60 trước đó lên vị trí 52/117 quốc gia được xếp hạng. Mức tăng của Việt Nam là cao nhất trong số các quốc gia được tăng hạng.
Bên cạnh những điểm mạnh, báo cáo cũng chỉ ra một số điểm yếu của Việt Nam như độ mở cửa du lịch (hạng 69), hạ tầng du lịch (hạng 86), mức độ ưu tiên cho du lịch (87) và môi trường bền vững (94). Điều đó cho thấy, mức độ mở cửa du lịch liên quan đến visa, hộ chiếu hay các thủ tục hành chính, thủ tục mềm để vào Việt Nam còn hạn chế.
Hiện Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương. Thực hiện cấp thị thực điện tử cho 80 quốc gia nhưng chỉ có 34 cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử. Thời gian lưu trú thông thường khoảng 15 ngày và nhập cảnh 1 lần. Đây thực sự là một “rào cản” đối với ngành kinh tế xanh.
Điều cốt yếu để hấp dẫn du khách quốc tế hiện nay là phải ngay lập tức có những thay đổi về chính sách visa. Chúng ta cần mở rộng danh sách quốc gia được miễn visa các nước ở Châu Âu, Úc, New Zealand, Canada..., kéo dài thời hạn visa lên 30 - 45 ngày và cho phép khách được nhập cảnh nhiều lần", PGS.TS. Phạm Hồng Long bày tỏ và cho rằng đây sẽ là động lực lớn đối với người nước ngoài đang muốn đi du lịch tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc cấp visa điện tử nên được mở rộng cho tất cả các quốc gia cùng một hệ thống đơn giản, nhanh chóng, thân thiện hơn với người dùng. Thủ tục visa tại chỗ cũng cần phải được quan tâm triển khai để tạo sự thuận tiện cho du khách. "Với đa phần du khách, họ không ngại mất phí, điều họ quan tâm là thủ tục có thông thoáng, nhanh gọn hay không?", ông Long nói.
Ông Đỗ Xuân Quang, Phó tổng giám đốc Vietjet Air, đánh giá thủ tục xuất nhập cảnh của Việt Nam còn chậm. Thủ tục này cần được cải tiến bằng cách tự động hóa. "Muốn phát triển du lịch cần phải giải quyết vấn đề visa, đặc biệt là nới rộng thời hạn visa", ông Quang phát biểu.
Áp dụng công nghệ để chuyển đổi số khi cấp thị thực cũng là đề xuất của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp du lịch. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho rằng biện pháp có thể thực hiện ngay là đăng ký tên miền mới cho website cấp visa điện tử (e-Visa) theo hướng dễ nhớ, nâng cấp thông tin, sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Ông Võ Việt Hòa, Giám đốc Inbound Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist chia sẻ, ngành du lịch đang tiếp cận khách cao cấp, khách đi lẻ - nhóm khách ngày càng đóng góp lớn cho doanh thu của ngành du lịch. Song quy định cấp visa hiện nay chưa thông thoáng như trước COVID-19.
"Sự linh hoạt trong việc cấp visa cần phải thay đổi theo hướng đáp ứng nhanh yêu cầu của khách ngoại quốc. Vì vậy, chúng ta cần bố trí nhân lực, quan tâm hơn nữa để đáp ứng yêu cầu cấp nhanh, trong ngày của du khách" ông Hòa bày tỏ.
Ông cho rằng Việt Nam cần có chính sách mở rộng danh sách các quốc gia được miễn visa, duyệt nhanh visa và có những ưu tiên để khách xin visa dễ dàng thông thoáng. Bên cạnh đó là cần cơ chế xin visa ở nhiều chi nhánh khác như đầu Hà Nội, Đà Nẵng chứ không chỉ tập trung ở TP.HCM; thêm các dịch vụ lấy visa nhanh trong ngày và quy định cụ thể thêm về điều kiện để khách có thể tự xin trong trường hợp khẩn cấp.
Visa cũng là một trong những vấn đề Thủ tướng đề cập tại Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026 vào 9.3. Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi các quy định của luật pháp về xuất cảnh, nhập cảnh đối với người nước ngoài, tham khảo tình hình các nước khi mở cửa. Thủ tướng nhấn mạnh tất cả các Đại sứ quán phải phối hợp, triển khai visa điện tử, thông báo cho nước sở tại. Bộ Ngoại giao thanh tra, kiểm tra, Đại sứ nào không thực hiện thì phải kiểm điểm, bị xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. |