"Để phục hồi nhanh chóng, Việt Nam cần thay đổi chính sách visa"

Thanh Hương |

PGS.TS. Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) có những chia sẻ gợi mở để Việt Nam tạo được đòn bẩy phục hồi thị trường khách quốc tế từ chính sách visa.

Năm 2022, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt du khách quốc tế, tuy nhiên con số đạt được chỉ là 3,5 triệu lượt du khách. Theo ông, nguyên nhân nào khiến lượng khách quốc tế không đạt được như kỳ vọng?

- Theo tôi có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về mặt chủ quan, ngành du lịch đặt mục tiêu hơn 5 triệu lượt du khách nhưng chưa lường hết được những khó khăn. Bởi thời điểm 15.3.2022, các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga đều chưa mở cửa.

Thứ hai, sự chuẩn bị chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ du lịch gồm ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, mua sắm… chưa tốt so với thời điểm trước dịch. Thứ ba, công tác xúc tiến, quảng bá, truyền thông của chúng ta “chưa tới”. Thứ tư, chính sách thị thực chưa hấp dẫn. Bên cạnh đó, Việt Nam tuy là điểm đến mới lạ nhưng du khách khá e dè hệ thống y tế chưa tốt.

PGS.TS. Phạm Hồng Long có những chia sẻ thẳng thắn về chính sách visa. Ảnh: Nhân vật cung cấp
PGS.TS. Phạm Hồng Long có những chia sẻ thẳng thắn về chính sách visa. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vậy ông cho rằng, chính sách visa có ảnh hưởng như thế nào đến sức hút của một điểm đến mang tầm quốc gia? 

- Tôi muốn dẫn số liệu Báo cáo xếp hạng Chỉ số năng lực phát triển Du lịch và lữ hành (TTDI) năm 2021 được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 24.5.2022. Trong đó, du lịch Việt Nam đã có bước cải thiện lớn khi tăng lên 8 bậc từ vị trí 60 trước đó lên vị trí 52/117 quốc gia được xếp hạng, mức tăng của Việt Nam là cao nhất trong số các quốc gia được tăng hạng.

Các chỉ số được đánh giá cao nhất của Việt Nam là có giá cả cạnh tranh (hạng 15), an ninh an toàn (hạng 33), cơ sở hạ tầng giao thông mặt đất và cảng hàng không (hạng 15). Ngoài ra, Việt Nam cũng ghi điểm bởi tài nguyên môi trường thiên nhiên (hạng 24), tài nguyên giải trí và nghỉ dưỡng (hạng 29).

Nhưng báo cáo cũng chỉ ra một số điểm yếu của Việt Nam như độ mở cửa du lịch (hạng 69), hạ tầng du lịch (hạng 86), mức độ ưu tiên cho du lịch (87) và môi trường bền vững (94). Điều đó cho thấy, mức độ mở cửa du lịch liên quan đến visa, hộ chiếu hay các thủ tục hành chính, thủ tục mềm để vào Việt Nam còn hạn chế.

Từ đó có thể thấy rằng, chính sách thị thực rất quan trọng, là cầu nối để du khách có thể nhìn nhận một điểm đến có thật sự hấp dẫn hay không. Và cũng phải nhìn nhận rằng, độ mở chính sách visa sẽ là một tiêu chí để so sánh năng lực phát triển du lịch và lữ hành của điểm đến, cũng chính là khả năng thu hút du khách quốc tế.

Hậu COVID-19, xu hướng mở cửa visa của các quốc gia trên thế giới đang thay đổi như thế nào, thưa ông?

- Từ trước dịch COVID-19, nhiều nước đã dùng các chính sách đòn bẩy khác nhau liên quan đến chính sách thị thực. Đơn cử, du khách của mọi quốc gia đến “thiên đường du lịch” Maldives không cần xin visa trước mà được cấp thị thực miễn phí trong 30 ngày.

Quốc đảo Seychelles miễn thị thực cho tất cả công dân các nước. Có diện tích chỉ bằng 1/700 Việt Nam, năm 2019, Seychelles đã đón gần 450.000 lượt khách quốc tế và thu về xấp xỉ 618 triệu USD. Hàng năm du lịch gián tiếp hoặc trực tiếp tạo ra khoảng 72% GDP; khoảng 70% tổng thu nhập ngoại hối và hơn 30% việc làm cho quốc gia này.

Tại ASEAN, từ năm 1996, chương trình “Silver Hair Programme” (chương trình Tóc bạc) cho du khách ở độ tuổi nghỉ hưu với thời hạn visa lên tới 10 năm, được Bộ Du lịch Malaysia quảng bá rầm rộ.

Năm 2002, chương trình này đổi thành “Malaysia My Second Home”, mở rộng cho đối tượng từ 21 tuổi trở lên. Sau COVID-19, để thu hút các “ông trùm toàn cầu”, Malaysia đã ban hành chính sách “Thị thực đặc biệt” với thời hạn đến 20 năm khi đáp ứng đủ các điều kiện về thu nhập.

Được biết, Malaysia hiện miễn visa cho công dân 162 quốc gia. Năm 2022, ngành du lịch Malaysia đón hơn 7 triệu lượt khách quốc tế, gấp đôi Việt Nam.

Singapore cũng là đất nước có chính sách thị thực hấp dẫn hàng đầu thế giới khi miễn visa cho công dân 162 nước, trong khi công dân của những nước còn lại có thể xin e-visa nhanh chóng với đa dạng các loại hình từ ra vào 1 lần đến nhiều lần trong thời hạn 2 năm.

Gần đây, Singapore còn công bố chính sách “Visa tinh hoa” với thị thực có thời hạn 5 năm kèm theo quyền được lao động tại quốc gia này.

Trong khu vực, các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với chúng ta như Thái Lan đã nới rộng thời gian lưu trú đến 45 ngày cho công dân 65 quốc gia; Philippines miễn thị thực cho 157 quốc gia.

Đây là những nỗ lực thiết thực để các quốc gia trên tận dụng cơ hội vàng, nhanh chóng “tái sinh” ngành du lịch hậu COVID-19.

Ngành du lịch Việt Nam tiếp tục nỗ lực quảng bá, giới thiệu sản phẩm hấp dẫn đến với du khách quốc tế. Ảnh: Thanh Chung
Ngành du lịch Việt Nam tiếp tục nỗ lực quảng bá, giới thiệu sản phẩm hấp dẫn đến với du khách quốc tế. Ảnh: Thanh Chung

Với mong muốn thúc đẩy du lịch quốc tế phục hồi nhanh chóng, ngành du lịch Việt Nam cần cải thiện những điểm nào, thưa ông? 

- Hiện Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương. Thực hiện cấp thị thực điện tử cho 80 quốc gia nhưng chỉ có 34 cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử. Thời gian lưu trú thông thường khoảng 15 ngày và nhập cảnh 1 lần. Đây thực sự là một “rào cản” đối với ngành kinh tế xanh.

Ngay cả quốc gia có người dân đa phần theo đạo Hồi như Indonesia cũng miễn visa cho 169 quốc gia. Điều đó cho thấy Việt Nam cần phải thay đổi chính sách visa rất nhiều.

Một số đơn vị lữ hành chia sẻ rằng, sau COVID-19, nhiều du khách có nhu cầu đến Việt Nam trên 18 ngày, nhưng vì chúng ta chỉ miễn visa 15 ngày nên họ rút ngắn hành trình đến Việt Nam xuống còn khoảng 7 – 9 ngày hoặc chọn một điểm đến khác để trải nghiệm kỳ nghỉ mà không phải mất nhiều thời gian cho thủ tục visa.

Theo tôi, điều cốt yếu để hấp dẫn du khách quốc tế hiện nay là phải ngay lập tức có những thay đổi về chính sách visa. Chúng ta cần mở rộng danh sách quốc gia được miễn visa (các nước ở Châu Âu, Úc, New Zealand, Canada), kéo dài thời hạn visa lên 30 - 45 ngày và cho phép khách được nhập cảnh nhiều lần sẽ là động lực lớn đối với người nước ngoài đang muốn đi du lịch tại Việt Nam.

Đồng thời, việc cấp visa điện tử nên được mở rộng cho tất cả các quốc gia cùng một hệ thống đơn giản, nhanh chóng, thân thiện hơn với người dùng.

Bên cạnh đó, thủ tục visa tại chỗ cũng cần phải được quan tâm triển khai để tạo sự thuận tiện cho du khách. Với đa phần du khách, họ không ngại mất phí, điều họ quan tâm là thủ tục có thông thoáng, nhanh gọn hay không?

Việc cải thiện chính sách về visa như ông đề xuất sẽ mang lại những cơ hội gì cho ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới?

- Tôi nghĩ rằng, điều đó sẽ tạo động lực lớn cho các thị trường khách quốc tế khác nhau và có cùng một mối quan tâm với du lịch Việt Nam. Đặc biệt hơn, khi có nhiều du khách mà Việt Nam miễn visa dài ngày hơn, đồng nghĩa thời gian lưu trú của họ ở Việt Nam được lâu hơn, kéo theo chi tiêu của du khách lớn hơn. Vậy thì, chúng ta sẽ đạt “lợi ích kép” là vừa tăng số lượng khách, vừa tăng mức chi tiêu của khách.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Hương
TIN LIÊN QUAN

Khách Việt không cần xin visa khi du lịch tỉnh này của Hàn Quốc

Thúy Ngọc |

Từ 15.3, người Việt Nam sẽ được miễn visa 15 ngày khi du lịch tỉnh Jeollanam-do, Hàn Quốc.

Tỉnh táo đặt tour khi Trung Quốc chưa cấp lại visa du lịch

Ý Yên |

Khách Việt quan tâm đến các tour Trung Quốc khởi hành từ 28, 29.4 tuy nhiên đại lý không chắc chắn 100% ngày khởi hành, do chưa có thông tin về visa.

Hàn Quốc tạm dừng miễn visa cho khách Việt đến Gangwon

Chí Long |

Ngày 22.10, tỉnh Gangwon (Hàn Quốc) thông báo tạm dừng cấp thị thực cho người Việt nhập cảnh vào sân bay quốc tế Yang Yang đến hết tháng 10.