Thế nào là “Cà phê đặc sản”?
Theo ông Trịnh Đức Minh – Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, “Cà phê đặc sản”, “Làn sóng cà phê thứ 3” là những cụm từ chưa quen thuộc lắm với người tiêu dùng ở Việt Nam, quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê đứng hàng thứ 2 trên thế giới.
Tên gọi “Cà phê đặc sản” (Specialty Coffee) xuất hiện lần đầu cách đây đã gần 50 năm. Ban đầu “Cà phê đặc sản” được hiểu là loại cà phê nhân có chất lượng đặc biệt, được trồng ở những tiểu vùng sinh thái đặc thù và chỉ áp dụng cho cà phê Arabica. Nay “Cà phê đặc sản” đã có định nghĩa hoàn chỉnh và áp dụng cho cả cà phê Robusta.Tiêu chuẩn và quy trình đánh giá “Cà phê đặc sản” được áp dụng theo Hiệp hội cà phê đặc sản thế giới (cho Arabica) và Viện chất lượng cà phê thế giới (cho Robusta). Hiện thị trường cà phê đặc sản có tốc độ tăng trưởng trên 12%/ năm và chiếm khoảng 30% trong tổng doanh thu 220 tỉ USD của ngành cà phê toàn cầu.
Việt Nam có trên 600.000 ha cà phê, hàng năm tiêu dùng và xuất khẩu hơn 1,8 triệu tấn cà phê nhân. Thế nhưng hành trình phát triển cà phê đặc sản chỉ mới bắt đầu khi những con người tiên phong trong cộng đồng cà phê nhận thức và quyết tâm tạo vị thế mới cho chất lượng cà phê Việt Nam.
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 đánh dấu cột mốc đáng ghi nhớ trong ngành cà phê Việt Nam khi 2 sự kiện nổi bật lần đầu được tổ chức là “Hội thảo phát triển cà phê đặc sản Việt Nam” và “Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam – Vietnam Amazing Cup”.
Đặc biệt, “Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam – Vietnam Amazing Cup” được duy trì tổ chức hàng năm nhằm phát hiện và tôn vinh những lô cà phê đặc sản. Qua đó kết nối nhà sản xuất với nhà rang xay, người tiêu dùng, góp phần tạo thị trường minh bạch, khai thác giá trị gia tăng trong toàn chuỗi từ trang trại đến tách cà phê, tạo động lực cho các tác nhân trong chuỗi quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, tạo vị thế mới về chất lượng cho cà phê Việt Nam.
Kích cầu du lịch từ cà phê đặc sản
Có lẽ không thành phố biển nào đặc biệt như Nha Trang- Khánh Hòa khi ở đây bất cứ nơi nào trên đường phố hay ngõ hẻm du khách cũng có thể dễ dàng bắt gặp quán cà phê. Với “đặc trưng” riêng ấy, lần đầu tiên một không gian trưng bày và trải nghiệm cà phê đặc sản được Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức tại TP. Nha Trang.Ông Trịnh Đức Minh cho biết: Sự kiện là cơ hội gặp gỡ những con người đến từ trang trại, nhà thương mại, nhà rang, nhà pha chế, nhà thử nếm… tất cả đều chung niềm đam mê, khát vọng tạo ra và phục vụ cộng đồng chất lượng cà phê đỉnh cao. Đây cũng là hoạt động có ý nghĩa thiết thực hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch 2022, gắn du lịch với quảng bá hình ảnh, giá trị cà phê đặc sản Việt Nam.
Người tiêu dùng, du khách đến Nha Trang được dịp thưởng thức những tách cà phê mang đầy hương vị độc đáo từ nhiều vùng miền khác nhau trong cả nước. Đó là hương vị cà phê đặc sản từ các tỉnh Tây Nguyên đến Quảng Trị của Miền Trung, Sơn La của Tây Bắc…; Thử nếm chuyên nghiệp cà phê đặc sản Top 10 tại cuộc thi Vietnam Amazing Cup 2022; Giao lưu, trò chuyện về “Hành trình cà phê đặc sản Việt Nam”…
Đó sẽ là những trải nghiệm đáng nhớ của từng người tiêu dùng, khách du lịch, cũng là sự kiện điểm nhấn mới tại Nha Trang, thành phố biển nổi tiếng về du lịch của Việt Nam.