Độc đáo món bánh từ khoai mì của người Bahnar vùng Kbang

HUYỀN THƯƠNG |

Ở Bắc Tây Nguyên, cây khoai mì (cây sắn) là một trong những cây lương thực có vị trí quan trọng trong đời sống của đồng bào các dân tộc. Không chỉ vậy, những món ăn được chế biến từ củ khoai mì của người Bahnar nơi đây lại mang những hương vị mới lạ, hấp dẫn những vị khách phương xa.

Món ngon từ khoai mì

Khoai mì khá dễ trồng, sinh trưởng tốt, vốn đầu tư không cao, ít tốn công chăm sóc, thời gian thu hoạch ngắn, và có lẽ vì những lý do này mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp khoai mì được trồng ở nhiều nơi trên mảnh đất cao nguyên đầy nắng gió.

Đối với người Kinh thì khoai mì được trồng chủ yếu để lấy củ, lá có thể được dùng làm thức ăn trong chăn nuôi hoặc làm phân hữu cơ. Củ mì thường được cắt nhỏ, phơi khô rồi say để làm thành bột mì…

Còn đối với đồng bào các dân tộc thiểu số thì khoai mì thực sự có rất nhiều giá trị, ngày nay với việc canh tác đại trà, khoai mì là nguồn thu giúp người dân cải thiện đời sống kinh tế, mặt khác khoai mì vẫn giữ nguyên vị trí là một cây lương thực quan trọng.

Người Bahnar, Jrai vẫn không quên những năm tháng khó khăn trước đây, khi gạo không đủ ăn thì khoai mì chính là thứ lương thực giúp họ vượt qua thời điểm thiếu thốn.

Thế nhưng ngoài củ mì luộc thì món lá mì xào cà đắng đã trở thành đặc sản mà bất cứ ai khi đến với Tây Nguyên cũng mong muốn một lần được thưởng thức. Chỉ với một nắm lá mì, vài quả cà đắng, hoa đu đủ đực, thêm ít ớt hiểm, và tất cả nguyên liệu đều có sẵn trong vườn nhà, thế là có một món ngon đãi khách.

Vốn quen với cách chế biến món ăn từ khoai mì vẫn thường là luộc hoặc hấp chín, trong chuyến trải nghiệm gần đây nhất về làng Mơ Hra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, chúng tôi đã thực sự bất ngờ khi được thưởng thức một mâm bánh làm từ củ mì do chính người Bahnar nơi đây tạo ra.

Mâm bánh chúng tôi được thưởng thức gồm có 4 loại được bày khá bắt mắt và hấp dẫn trên một chiếc mẹt đan bằng tre. Món đầu tiên là khoai mì hấp nguyên củ, từng miếng khoai mì trắng, bùi, bở tỏa mùi thơm hấp dẫn.

Chính những miếng khoai mì hấp chín tới này là nguyên liệu để chế biến các món bánh tiếp theo. Khoai mì sau khi hấp đem giã (quết) bằng cối và chày cho thật dẻo, sau đó vo tròn, ép dẹt rồi thêm nhân là vài hạt đậu phộng (lạc) rang, nắn sơ lại như những chiến chén tí hon để nhân bánh không bị rớt ra ngoài, đấy là xong món bánh thứ 2.

Cũng với nguyên liệu là củ mì giã dẻo, người đầu bếp nặn bánh thành từng miếng hình tròn rồi đem chiên vàng, bánh có lớp vỏ giòn nhưng nhân bánh vẫn giữ được độ mềm và không bị khô.

Loại bánh thứ tư được tạo ra từ vỏ bánh bằng khoai mì giã dẻo, cán dẹt, thêm nhân là đậu phộng giã nguyễn có nêm thêm 1 ít muối, tất cả được gói lại bằng lá chuối và đem hấp chín, cách chế biến này gần giống như cách hấp bánh lá của người Kinh.

Nước chấm cà đắng "độc nhất vô nhị"

Không dừng ở đó, điểm nhấn của mâm bánh chính là chén gia vị ăn kèm. Cũng như nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên, người Bahnar rất quý trọng hạt muối và muối trở thành gia vị chính trong hầu hết các món ăn của họ, đặc biệt là các món chấm.

 
Quả cà đắng dùng làm nguyên liệu tạo nên món nước chấm đặc biệt

Khoai mì chấm muối ớt, nghe lạ nhưng sau khi được chính những người Bahnar hướng dẫn cách ăn những loại bánh này theo đúng phong cách ẩm thực Bahnar thì bạn còn thấy tuyệt vời hơn nhiều.

Một chén cà đắng (loại quả tròn) được bổ đôi, người thưởng thức sẽ lấy nửa quả cà, bóp nhẹ và đều phần vỏ ngoài của miếng cà cho đến khi phần ruột bên trong mềm và tiết ra chất nước đắng, sau đó dùng thìa (được làm bằng tre) lấy một ít muối, trộn đều muối và ruột cà đắng với nhau, rồi mới lấy một miếng bánh củ mì chấm vào thứ giá vị đặc biệt vừa tự chế biến này và từ từ bỏ miếng bánh vào miệng.

Tất cả mọi vị giác của người thưởng thức ngay lập tức được đánh thức bởi vị mặn của muối, vị cay của ớt, vị đắng của cà đắng, vị ngọt bùi của của khoai mì, hòa quyện vào nhau, để người ngoài thì vì sợ đắng, sợ cay mà ngại ngần nếm thử nhưng người trong cuộc thì chỉ tiếc vì lỡ nhai và nuốt rồi thì sẽ tan biến mất mùi vị tuyệt vời ấy, để phải nhón tay chấm ngay miếng tiếp theo…

Chị Định Thị Văn (30 tuổi, làng Mơ Hra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) cho biết: “Vì ngày trước đời sống của người dân khó khăn, thường xuyên phải ăn củ mì, nhưng ăn mãi một món mì luộc thì cũng ngán, nên dân làng mình mới nghĩ ra nhiều món bánh làm từ nguyên liệu củ mì để ăn cho đỡ ngán”. Với lý do giản dị vậy thôi nhưng đã tạo ra được một món ăn dân giã mà hấp dẫn.

Khách du lịch khi đến đây sẽ được trải nghiệm cách làm ra những món bánh khoai mì, tự tay được đào (dỡ) củ mì, rồi đem luộc, tự tay giã và nặn bánh, và khi thưởng thức món ăn do chính mình tạo ra thì mùi vị sẽ trở nên vô cùng tuyệt vời.

HUYỀN THƯƠNG
TIN LIÊN QUAN

Gia Lai phát triển tuyến du lịch mới kết nối Chư Sê và Phú Thiện

TT |

Hai địa phương Chư Sê và Phú Thiện, huyện Gia Lai vừa tổ chức khảo sát tuyến du lịch mới nhằm liên kết phát triển du lịch.

Nhân dịp Trung thu đến với sắc màu văn hoá Gia Lai

M. K |

Vừa qua, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (DTHVN) đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình "Trung thu 2019: Sắc màu văn hóa Gia Lai" tại Hà Nội.

Đến Gia Lai ngắm mùa cao su trút lá

Phạm Ly |

Khi mùa “nắng lạnh” về trên Pleiku cũng là lúc những rừng cao su bắt đầu chuyển đỏ và đổ lá. Gần Tết, ngang qua những đồi cao su trơ thân mốc thếch và u tịch khiến ta có cảm giác vừa chạm chân vào vùng đất đã bị lãng quên trong thước phim cũ nào đó.

Lên Gia Lai, không thể không ghé Ch'Rao

PHƯƠNG CHI |

Gia Lai không chỉ nổi tiếng về khu di tích Biển Hồ, thác Mơ, thác Phú Cường, các đồi chè thẳng tắp, xanh mướt... mà du khách cũng khó cưỡng với ẩm thực phong phú ở đây.