Quán bánh bao Hà Nội 30 năm tuổi, giá đắt vẫn đông nườm nượp

Trang Vũ |

Bánh bao Bà Mậu ở ngõ Nguyễn Hữu Huân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) là địa chỉ quen thuộc của rất nhiều người dân, học sinh, sinh viên hay nhân viên văn phòng trong khu vực.

Bánh bao Bà Mậu (nay đổi tên thành bánh bao Phát Đạt) nổi tiếng đông khách, nhất là vào khoảng 7h sáng và lúc tan tầm 16h30-17h30 chiều. Thời điểm này, chủ quán nhấc khay bánh nóng hổi ra tới đâu, bán hết tới đó. Khách tới muộn một chút là phải đợi thêm 15-20 phút mới có mẻ bánh mới.

Bánh bao bà Mậu đã mở khoảng 30 năm. Hiện giờ, bà Mậu nghỉ bán, để lại công thức cho con trai út là anh Nguyễn Thế Hoạt và con dâu là chị Tống Thị Kim Thanh. Hàng ngày, anh chị mở bán 2 lần, từ 7 giờ sáng đến trưa, và từ 15 giờ chiều đến 19 giờ tối.

 
Mẻ bánh bao nóng hổi.

Hương vị chiếc bánh vẫn được giữ nguyên như ngày bà Mậu làm. Vỏ bánh dày, đặc ruột, hơi dai, có mùi thơm đặc trưng của bột. Chỉ cần chủ quán mở nắp nồi, hương thơm đã bay thoang thoảng, khiến ai đói bụng "đứng ngồi không yên". Chiếc bánh có giá khá đắt so với bánh bao thông thường, 18.000 đồng/chiếc nhưng kích cỡ to, nhân đầy đặn.

Anh Hoạt kể, bà Mậu trước đây làm bánh bao rồi gánh ra bán ở chợ Hàng Bè - "khu chợ nhà giàu" của Hà Nội. Những chiếc bánh bao nóng hổi, thơm ngon của bà được khách hàng ưa chuộng, giúp bà có tiền nuôi các con ăn học. Sau này, khi tuổi cao, bà Mậu chuyển về bản tại nhà ở số 8 ngõ Nguyễn Hữu Huân.

 
Bánh bao bà Mậu từng là món ăn có tiếng ở chợ Hàng Bè - "khu chợ nhà giàu" Hà Nội.

Anh Hoạt cho hay, để hoàn thành một chiếc bánh bao cần rất nhiều thời gian. Công đoạn trộn bột và men, ủ bánh, nặn bánh lâu nhất. Trong lúc chờ, vợ chồng anh sơ chế các nguyên liệu mộc nhĩ, nấm hương, thịt, trứng. Để bánh ngon, nguyên liệu phải tươi, sạch, có nguồn gốc rõ ràng.

Do làm kì công, mỗi ngày, vợ chồng anh chỉ làm được khoảng 200 chiếc bánh, làm mẻ nào bán mẻ đó. Đó cũng là lí do, khách tới muộn có thể phải xếp hàng hoặc không mua được bánh.

 
Anh Đạt chăm chút cho từng mẻ bánh.

"Nhiều người đến tìm mua công thức hay sỉ số lượng lớn nhưng tôi từ chối. Nếu làm "công nghiệp" thì chiếc bánh không còn giữ được hương vị truyền thống của mẹ tôi. Thỉnh thoảng có người nói đùa, vợ chồng tôi "chảnh", khách đến xếp hàng mà không mua được bánh", anh Hoạt nói.

"Thế nhưng, để bánh ngon, chúng tôi phải làm thật cẩn thận, không vì số lượng mà đánh mất hương vị. Hai vợ chồng lúc nào cũng niềm nở, vui vẻ để khách hài lòng nhất có thể", anh phân bua.

Trang Vũ
TIN LIÊN QUAN

Thực đơn Valentine lãng mạn ở các khách sạn 5 sao quanh Hà Nội

Chí Long |

Valentine đến gần, nhiều nhà hàng, khách sạn 5 sao bắt đầu ra mắt các thực đơn đặc biệt trong ngày lễ tình nhân.

Bánh ướt xếp chồng 'nằm lò sưởi' giá 2.000 đồng/đĩa ở Đà Lạt

Trang Vũ |

Bánh ướt xếp chồng là món ăn vặt được nhiều du khách ưa thích khi tới du lịch Đà Lạt.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Mỗi dịp Tết về, nhiều người lại đổ về phố Hàng Đường, nơi có nhiều thương hiệu mứt, ô mai nổi tiếng. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.