Lương thiện và tử tế

Thụy Bất Nhi. |

Chưa đầy 2 giờ đồng hồ sau khi chính quyền Đà Nẵng “phát tín hiệu” cần chung sức hỗ trợ dập tắt dịch bệnh trên địa bàn, thành phố Hải Phòng đã gấp rút “chi viện” 33 cán bộ y tế, 20 ngàn khẩu trang và ủng hộ 5 tỷ đồng. Bình Định gửi 25 người chi viện...

Nhiều người cho rằng, đây quả là hành động tử tế trong bối cảnh cả nước đối mặt những gieo neo bởi diễn biến bất thường của dịch bệnh COVID-19.

Thông tin lan tỏa, những bạn bè ở Hải Phòng điện cho tôi và bộc lộ sự vui mừng. Song, không phải họ chúc mừng Đà Nẵng được hỗ trợ, mà vui mừng bởi thành phố của họ đã chọn hành động “tử tế” với người anh em giao kết bao năm. Tình người giữa Đà Nẵng và Hải Phòng, từ thuở chiến tranh cho đến hôm nay thật sự gắn kết, nhưng không hẳn chỉ vì thế mà Đà Nẵng được giúp. Vẫn đang có nhiều, rất nhiều tỉnh thành khác nữa, đang cùng hướng về Đà Nẵng. Bởi một nguyên tắc quan trọng trong hành xử xã hội truyền thống của chúng ta, chính là sự tử tế!

Trong bảng tự điển chữ Nôm, tử tế (仔細) được viết vay mượn từ hai chữ Hán. Chữ tử, có nghĩa là gánh vác, cũng có nghĩa là kỹ lưỡng. Tế, nghĩa là nhỏ bé, chi tiết, tinh tế. Hai chữ tử tế, được hiểu nghĩa là sự đảm nhận tinh tế, sự lo lắng kỹ lưỡng, hành động chu toàn trước đối phương. Từ tử tế, thể hiện một quan hệ tương giao giữa con người và con người có tính mật thiết, chu tất trọn vẹn cho nhau.

Nhưng khi dịch nghĩa tử tế qua chữ Hán, người xưa chỉ vào từ thiện lương (善良) nghĩa là bản tính thuần hậu, chất phác.

Chữ thiện (善) ban đầu được viết gồm chữ dương (羊, con dê) và chữ mục (目, con mắt) hàm nghĩa một người quan sát, chăm sóc cho con dê của mình, thể hiện sự quan tâm, đó là biểu hiện tốt đẹp. Phát triển về sau, chữ dương được xem là một phần của chữ tường (祥, điềm tốt đẹp) và chữ mục được đổi thành hai bộ ngôn (言, lời nói), diễn nghĩa hai người nói chuyện với nhau về những điều tốt đẹp. Cho đến nay, chữ thiện được hình thành với bộ dương phía trên và chữ khẩu (口) ở dưới, xen giữa là ký hiệu viết tắt của phần trên chữ ngôn. Như vậy, chữ thiện bên cạnh nghĩa thuần hậu, tính hiền lành chất phác, còn phát triển thêm nghĩa sự đối đãi tốt đẹp giữa con người với nhau.

Chữ lương (良) được viết với bộ cấn (艮, quẻ trong Kinh Dịch chỉ về núi) và bộ chủ để nhấn mạnh. Bộ cấn thể hiện tính ổn định, vững chắc của núi, và chữ lương với sự nhấn mạnh về tính này, thể hiện nghĩa an định, thuần hậu trong bản tính con người.

Thiện lương, theo Hán Văn, nghĩa là sự giao tiếp thuần hậu, tốt đẹp, chu toàn giữa con người với nhau.

Thực tế khi sử dụng từ này, cha ông ta lại đảo ngược vị trí hai từ để thành từ lương thiện (良善), cũng chỉ vào bản chất thuần hậu của con người. Do đó, sự lương thiện chính là cách đối xử tốt đẹp giữa con người với nhau.

Chung quy, hai từ lương thiện và tử tế, nghe có thể khác nhau, nhưng thực chất, đó là chung một nghĩa. Sự biến cải trong sử dụng ngôn ngữ có thể đẩy nghĩa hai từ này, trong suy nghĩ nhiều người thành khác biệt, nhưng cốt lõi của hai từ, chỉ là một mà thôi.

Với truyền thống văn hóa Việt Nam, sống lương thiện, sống tử tế, chính là sự quan tâm chia sẻ, đùm bọc lo toan cho người khác, mong người khác sẽ sống tốt, và lại đối đãi tốt với mình. Giữa con người và con người, bất cầu có lợi lộc, chỉ cần thấy giúp được sẽ giúp, cần cứu sẽ cứu, dù có bản thân có phải hy sinh cũng sẵn sàng. Đó là thái độ tử tế, đạo nghĩa lương thiện mà ông cha ta đúc kết lại bao đời.

Trong những ngày này, Đà Nẵng thật sự là tâm điểm hội tụ của tinh thần ấy, thu hút rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ. Từng đoàn xe thiện nguyện, từng đơn hàng hỗ trợ liên tiếp đổ về, với tâm nguyện gởi theo của mỗi người tham gia, là cầu mong sự an lành sẽ trở lại với Đà Nẵng. Hơn bao giờ hết, ai cũng nhận thức rõ câu “sống tử tế với người khác là tạo phúc cho chính  mình”.

Chính truyền thống nhân văn ấy, đã thôi thúc Hải Phòng hành động, thôi thúc những tỉnh thành khác cũng sẵn sàng hành động. Những đội quân thiện nguyện, đội ngũ y bác sĩ đang hiên ngang chung bước vào vòng dịch ở Đà Nẵng, đó chính là hiện thân trọn vẹn của tính lương thiện và sự tử tế!

Thụy Bất Nhi.
TIN LIÊN QUAN

"Nữ nhân nhã khí” đi về đâu?

Thụy Bất Nhi |

Một cô gái lên mạng xã hội phát biểu đòi thiêu sống cả thành phố Đà Nẵng để ngăn ngừa dịch bệnh. Một cô khác dựng clip tẩy chay người Đà Nẵng. Một nhóm nữa lại đua nhau đăng ảnh khoe kết quả “đã chạy trốn khỏi Đà Nẵng” về đến Huế. Điều khiến cộng đồng xã hội ngỡ ngàng là tất cả họ đều mang vị thế những người con gái đẹp, thành danh trong thời đại công nghệ số hôm nay.

Phố đèn đỏ nhìn từ Thái Lan

Thụy Bất Nhi |

Dư luận đang có những quan tâm nhất định đến đề xuất “thí điểm mở phố đèn đỏ ở Đà Nẵng”, với câu hỏi tại sao Singapore, Thái Lan có thể tổ chức được còn ở Việt Nam lại gian nan? Ngõ hầu lý giải phần nào vấn đề này, cá nhân người viết muốn chia sẻ chút thông tin về con phố đèn đỏ nổi tiếng tại Bangkok, nhìn qua lăng kính quản lý thực tế và tâm lý xã hội địa phương.

Giữ Sapa, bây giờ hoặc không bao giờ

Khánh Vân |

Sapa, Tam Đảo, Bạch Mã, Bà Nà và Đà Lạt vốn có khí hậu ôn hòa, mát lành và khác biệt ở Việt Nam. Chính vì vậy, từ Pháp thuộc, các nơi này đã được người Pháp xây dựng thành các khu nghỉ dưỡng cao cấp như Châu Âu.


Kích cầu du lịch: Không nên "ăn gian" bằng việc hạn chế dịch vụ

Hoàng Văn Minh |

Các chương trình kích cầu du lịch sau dịch COVID-19 ở miền Trung đã và đang phát huy hiệu quả bằng việc lượng khách nội địa tăng đột biến. Tuy nhiên, đó đây đã xuất hiện sự phàn nàn, rằng một số cơ sở lưu trú đang "ăn gian" du khách bằng cách giảm giá phòng nhưng lại hạn chế sử dụng các dịch vụ khác.

"Nữ nhân nhã khí” đi về đâu?

Thụy Bất Nhi |

Một cô gái lên mạng xã hội phát biểu đòi thiêu sống cả thành phố Đà Nẵng để ngăn ngừa dịch bệnh. Một cô khác dựng clip tẩy chay người Đà Nẵng. Một nhóm nữa lại đua nhau đăng ảnh khoe kết quả “đã chạy trốn khỏi Đà Nẵng” về đến Huế. Điều khiến cộng đồng xã hội ngỡ ngàng là tất cả họ đều mang vị thế những người con gái đẹp, thành danh trong thời đại công nghệ số hôm nay.

Phố đèn đỏ nhìn từ Thái Lan

Thụy Bất Nhi |

Dư luận đang có những quan tâm nhất định đến đề xuất “thí điểm mở phố đèn đỏ ở Đà Nẵng”, với câu hỏi tại sao Singapore, Thái Lan có thể tổ chức được còn ở Việt Nam lại gian nan? Ngõ hầu lý giải phần nào vấn đề này, cá nhân người viết muốn chia sẻ chút thông tin về con phố đèn đỏ nổi tiếng tại Bangkok, nhìn qua lăng kính quản lý thực tế và tâm lý xã hội địa phương.

Giữ Sapa, bây giờ hoặc không bao giờ

Khánh Vân |

Sapa, Tam Đảo, Bạch Mã, Bà Nà và Đà Lạt vốn có khí hậu ôn hòa, mát lành và khác biệt ở Việt Nam. Chính vì vậy, từ Pháp thuộc, các nơi này đã được người Pháp xây dựng thành các khu nghỉ dưỡng cao cấp như Châu Âu.


Kích cầu du lịch: Không nên "ăn gian" bằng việc hạn chế dịch vụ

Hoàng Văn Minh |

Các chương trình kích cầu du lịch sau dịch COVID-19 ở miền Trung đã và đang phát huy hiệu quả bằng việc lượng khách nội địa tăng đột biến. Tuy nhiên, đó đây đã xuất hiện sự phàn nàn, rằng một số cơ sở lưu trú đang "ăn gian" du khách bằng cách giảm giá phòng nhưng lại hạn chế sử dụng các dịch vụ khác.