Các cuộc thi sắc đẹp và nhân bản vô tính lạc đà ở Dubai

Minh Anh (Theo CNN Travel) |

Phương pháp nhân bản vô tính ở Dubai đã "sản sinh" ra những hoa hậu, tay đua lạc đà và có khả năng hồi sinh các loài động vật đã tuyệt chủng.
Những con lạc đà nhân bản tại Trung tâm Công nghệ Sinh học Sinh sản ở Dubai. Ảnh: CNN Travel
Những con lạc đà nhân bản tại Trung tâm Công nghệ Sinh học Sinh sản ở Dubai. Ảnh: CNN Travel

Nisar Ahmad Wani là giám đốc nghiên cứu khoa học tại Trung tâm Công nghệ Sinh học Sinh sản ở Dubai chuyên về công nghệ nhân bản vô tính. Ông đã thành công trong việc thực hiện ca nhân bản lạc đà đầu tiên vào năm 2009 và được ca ngợi là một thành tựu to lớn của thế giới. Hiện tại, Wani cùng các cộng sự nghiên cứu và phát triển các kỹ thuật nhân bản mới như duy trì các ngân hàng tế bào để tạo ra các bản sao của các loài động vật như trâu và cừu. Nhưng trọng tâm nghiên cứu của Trung tâm vẫn là nhân bản lạc đà.

Mỗi năm, hàng chục con lạc đà một bướu được sinh ra nhờ phương pháp nhân bản vô tính. Nổi bật nhất chính là bản sao của “nữ hoàng lạc đà” với sự kết hợp giữa đôi môi cụp xuống và chiếc cổ dài.

Tái tạo vẻ đẹp

 
"Nữ hoàng sắc đẹp" lạc đà ở Dubai. Ảnh: CNN Travel

Các cuộc thi sắc đẹp lạc đà rất phổ biến ở quốc gia vùng Vịnh và tiền thưởng có thể lên tới hàng chục triệu đô la. Trước đây, nếu sử dụng các kỹ thuật bị cấm như tiêm silicone để làm phồng các bộ phận thì chắc chắn sẽ bị tước quyền tham gia. Tuy nhiên, ở cuộc thi này, sử dụng lạc đà nhân bản là hoàn toàn hợp pháp.

Mặc dù Trung tâm Công nghệ Sinh học Sinh sản từ chối tiết lộ nhưng theo nhiều nguồn tin, mức giá của một bản sao giống hệt con lạc đà đẹp nhất khoảng 200.000 dirham (gần 1,2 tỷ đồng).

Ngoài “nữ hoàng sắc đẹp”, nhóm của Wani cũng tạo ra các tay đua ưu tú để cạnh tranh trong những cuộc đua lạc đà của UAE hay biến đổi gen để tạo ra protein trong sữa được sử dụng cho các ứng dụng dược phẩm.

Ông Wani chia sẻ: “ADN từ tế bào sinh dưỡng hoạt động giống như ADN của phôi thai. Sau khi kích hoạt, chúng được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm từ 7 đến 8 ngày trước khi được chuyển vào tử cung của lạc đà mẹ mang thai hộ.”

Theo ông Wani, quá trình này rất phức tạp và thất thường với tỷ lệ thành công của các ca mang thai nhân bản chỉ là 10% so với 60% của các ca mang thai tự nhiên.

Biểu tượng văn hóa

Lạc đà nhân bản tham dự các cuộc đua tại Dubai. Ảnh: CNN Travel
Lạc đà nhân bản tham dự các cuộc đua tại Dubai. Ảnh: CNN Travel

Ngoài việc góp mặt trong các cuộc thi, trong quá khứ, những con lạc đà một bướu này còn được sử dụng để vận chuyển hàng qua các sa mạc, đồng thời là nguồn cung cấp thịt và sữa cho người dân. Lạc đà chính là một biểu tượng văn hóa truyền thống của người Dubai.

Obaid Al Falasi, người đồng sáng lập Trung tâm cưỡi lạc đà sa mạc Ả Rập, trường dạy cưỡi lạc đà đầu tiên của Dubai, cho biết: “Việc đi lại và buôn bán giữa các quốc gia được tạo điều kiện thuận lợi nhờ lạc đà, loài lạc đà có khả năng chịu được khí hậu khắc nghiệt và không cần quá nhiều thức ăn, nước uống.”

Ông nói thêm, lạc đà là kho báu và người bạn đồng hành của mọi người. Đối với nhiều người, lạc đà cũng có ý nghĩa tâm linh. Al Falasi nói: “Lạc đà được đề cập trong Kinh Qur'an và được mô tả là độc nhất vô nhị với những khả năng do Chúa ban cho, như việc sống sót mà không cần nước và thức ăn."

Trung tâm nhân giống lạc đà Dubai và Trung tâm sinh sản lạc đà cũng tạo ra những con lạc đà ưu tú, nhưng thay vì nhân bản vô tính, hai phòng thí nghiệm này tập trung vào chuyển phôi, trong đó phôi ban đầu được lấy từ một con cái và cấy vào con lạc đà khác để mang thai hộ.

Al Falasi chia sẻ rằng phương pháp nhân bản vô tính có mức giá thành quá cao, vậy nên việc sử dụng phương pháp cấy phôi phổ biến hơn.

Hồi sinh các loài động vật trên bờ vực tuyệt chủng

Lạc đà Bactrian hai bướu là một trong những loài động vật có vú đang trên bờ vực tuyệt chủng. Ảnh: CNN Travel
Lạc đà Bactrian hai bướu là một trong những loài động vật có vú đang trên bờ vực tuyệt chủng. Ảnh: CNN Travel

Hiện tại, Wani và nhóm nghiên cứu đang tìm cách sử dụng công nghệ này để cứu các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Lạc đà Bactrian hai bướu là một trong những loài động vật có vú đang trên bờ vực tuyệt chủng, vì vậy nhóm của Wani đang nghiên cứu các kỹ thuật liên quan đến chuyển nhân tế bào sinh dưỡng giữa các loài, trong đó một loài có họ hàng gần được sử dụng như vật mẹ để mang thai hộ.

Vào năm 2017, con lạc đà Bactrian nhân bản đầu tiên đã được sinh ra tại trung tâm bằng phương pháp này, sau khi phôi được cấy vào con lạc đà một bướu.

Wani hy vọng sẽ có thể sử dụng kỹ thuật nhân bản để bảo tồn các loài động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng và thậm chí là khôi phục các loài đã tuyệt chủng.

Ông Wani cũng chia sẻ thêm: “Trung tâm của chúng tôi tập trung phát triển và áp dụng các kỹ thuật công nghệ sinh học sinh sản mới nhất như nhân bản vô tính, IVF, thụ tinh nhân tạo và chuyển phôi để tăng cường nhân giống các loài động vật khác nhau. cũng như để bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng”.

Minh Anh (Theo CNN Travel)
TIN LIÊN QUAN

Dubai xây siêu cao tốc có điều hòa cho xe đạp

Hương Giang (theo CNN) |

Dubai có thể trở thành một trung tâm mới bền vững và thịnh vượng, với dự án đầy tham vọng của công ty URB là xây dựng tuyến cao tốc The Loop dài 93 km bao quanh Dubai.

Khách du lịch sẽ đổ xô đến Dubai năm 2023 vì lý do này?

Vân Hoa |

Dubai là thỏi nam châm du lịch với gần 13 triệu khách quốc tế tới đây trong năm 2022. Khách du lịch thỏa sức tắm nắng ngoài bãi biển, tiêu tiền ở các trung tâm mua sắm, ăn uống trong các nhà hàng đẳng cấp và ngất ngư ở các quán bar xa xỉ.

Dubai xây dựng thư viện sách cả thế giới ngưỡng mộ

Hải Minh (Theo CNN) |

Mohammed bin Rashid, Dubai là thư viện mới mở có số lượng sách “khủng”, với hơn 1,1 triệu bản in và sách kỹ thuật số, được đặt trong cơ sở rộng 54.000 m2.