Lần xuất hiện hiếm hoi của bồ câu Nicoba ở Côn Đảo

Thành An |

Bà Rịa - Vũng Tàu - Ngày 4.11, lực lượng kiểm lâm trong lúc tuần tra bảo vệ rừng trên tuyến đường mòn trên hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo đã phát hiện bồ câu Nicoba xuất hiện.

Đây là một trong những lần xuất hiện hiếm hoi của loài bồ câu Nicoba tại lâm phần Vườn Quốc gia Côn Đảo. Trong danh mục các loài chim tại Côn Đảo, bồ câu Nicoba là một trong 6 giống loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Tại Việt Nam, loài này chỉ xuất hiện tại Côn Đảo và đang được Vườn Quốc gia lên kế hoạch bảo vệ, phát triển loài chim quý hiếm này.

Theo ông Lê Hồng Sơn - Trưởng phòng Bảo tồn và Hợp tác quốc tế Vườn Quốc gia Côn Đảo, dù đây là một loài chim quý hiếm ở cả Việt Nam và thế giới, có giá trị cả về mặt khoa học và thẩm mỹ, nhưng đến nay chưa có nhiều nghiên cứu về loài chim này trừ chuyên đề khảo sát cấp cơ sở trước đó.

Nhằm mục đích bảo vệ và bảo tồn loài chim này trong thời gian tới, Vườn Quốc gia Côn Đảo đã xây dựng những kế hoạch triển khai thực hiện để bảo tồn.

Cụ thể, Vườn Quốc gia Côn Đảo sẽ tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra ở nơi có bồ câu Nicoba; ban hành các quy định nghiêm cấm phá hoại điều kiện sinh cảnh và can thiệp kịp thời những hành vi làm ảnh hưởng đến sinh cảnh của chim; xử phạt nghiêm khắc với các hoạt động săn bắt chim, lấy trứng.... Cũng như tăng cường theo dõi nghiên cứu loài bồ câu Nicoba ở mức độ cao hơn, từng bước hình thành khu nghiên cứu, khoanh vùng, tập trung theo dõi để nắm rõ hơn về hoạt động sinh thái nhằm phục vụ cho công việc bảo tồn và phát triển của loài bồ câu này.

Được biết, loại chim bồ câu Nicoba xuất hiện tại Côn Đảo thuộc Bộ bồ câu Columbidae, họ bồ câu Columbiformes, giống bồ câu Caloenas, loài bồ câu Nicobarica. Tại Việt Nam còn có các tên gọi khác như: Bồ câu Lông cổ, bồ câu Đuôi trắng, bồ câu Kền Kền.

Khi trưởng thành, chim bồ câu Nicoba có bộ lông pha kim loại rất đẹp.
Khi trưởng thành, chim bồ câu Nicoba có bộ lông rất đẹp.

Khi trưởng thành, loài bồ câu này có chiều dài khoảng 34 cm, với bộ lông trên cơ thể có màu xanh kim loại pha với màu đồng rất đẹp, kèm đặc điểm có một cục u nhỏ màu đen nằm ở trên gốc mỏ màu đen hình móc câu (gần vùng trán) dễ nhận biết.

Loài bồ câu Nicoba kiếm ăn ở trên mặt đất, ở những vùng đất tương đối bằng phẳng có nhiều lá cây rụng. Thức ăn chủ yếu là những trái cây rừng, đặc biệt là những hạt rất cứng, và một vài động vật không xương sống ở mặt đất.

Khu vực kiếm ăn của giống bồ câu này thường ở hai sinh cảnh chính là rừng ngập mặn và sinh cảnh rừng thường xanh nửa rụng lá. Còn sinh cảnh sống và làm tổ chỉ ở các đảo nhỏ yên tĩnh, nơi có nhiều cây cối, không có mặt của con người và không bị tác động.

bo
Tổ của loài bồ câu này đơn giản, và chim mái chỉ đẻ 1 trứng duy nhất

Tổ của loài bồ câu này rất đơn giản, nhưng được sắp xếp chắn chắc để cho trứng không bị rơi ra ngoài. Mỗi tổ chỉ có duy nhất một trứng kích thước lớn màu trắng.

Sau khi đẻ trứng, cả chim trống và chim mái cùng ấp trong khoảng 27 - 29 ngày thì chim non rời khỏi vỏ. Lúc này, chim non được nuôi đủ lông đủ cánh trong khoảng thời gian từ 5 - 6 tuần và sau 2 tuần nữa thì có thể tự kiếm ăn và sống độc lập.

Thành An
TIN LIÊN QUAN

Khám phá tour xem rùa đẻ trứng ở Hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo

Chí Long |

Tour xem rùa đẻ trứng ở Hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo được tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố nằm trong 20 tour du lịch đầu tiên của top 50 tour du lịch độc đáo mang lại trải nghiệm thú vị nhất Việt Nam.

Thăm nhà tù Côn Đảo: Dấu ấn lịch sử không bao giờ quên

Hải Minh |

Côn Đảo là nơi lưu giữ dấu tích 113 năm (1862-1975) nếm trải "địa ngục trần gian" của những chiến sĩ cách mạng kiên trung.

Du lịch trải nghiệm thả rùa về biển xanh ở Côn Đảo

Hải Minh |

Vào thời gian rùa sinh sản, nhiều khách du lịch, tình nguyện viên trong và ngoài nước đến tham gia hỗ trợ quy trình bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo.

Ghé thăm Miếu bà Phi Yến: Chốn linh thiêng nơi Côn Đảo

Hải Minh |

Sau nữ anh hùng Võ Thị Sáu thì Bà Phi Yến là một trong hai vị “Thần Nữ” được người dân Côn Đảo hết lòng tín ngưỡng và kính trọng.