Là một địa danh ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), Phượng Hoàng cổ trấn hấp dẫn mọi người ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Nếu chỉ có một ngày ở đây, du khách nên làm những gì để cảm nhận hết sự đặc biệt của một cổ trấn ngoài việc tìm hiểu lịch sử và kiến trúc? Hãy tham khảo những gợi ý bên dưới.
Ở Phượng Hoàng cố trấn, cùng một khung cảnh nhưng hoàn toàn khác giữa ban ngày và buổi tối. Ngay từ sáng sớm, du khách nên vào khu vực cổ trấn để được đi giữa những con ngõ nhỏ, hẹp để tận hưởng sự yên tĩnh, ngắm những ngôi nhà mái ngói âm dương bảng lảng trong sương sớm. Khi ấy hàng quán chưa mở cửa, bạn có thể tĩnh tâm, nhẹ nhàng bước qua từng góc phố mà không phải lo va chạm vào ai.
Khi hàng quán bắt đầu mở cửa, cổ trấn như bừng tỉnh sau giấc ngủ đêm. Lúc này có thể ghé quán nào đó xem cách làm kẹo hoặc hít hà mùi cay nồng từ những chậu ớt xay cay xè. Một trong những nét đặc trưng trong ẩm thực ở đây là vị cay từ ớt và cay từ hạt tê. Với hạt tê, khi thưởng thức sẽ có cảm giác tê tê ở lưỡi.
Đến Phượng Hoàng cổ trấn, nhất định phải thử món thịt ba chỉ hun khói và lẩu hoặc canh cá cay. Thịt ba chỉ hun khói nên thưởng thức vào buổi trưa. Món này khá mặn nhưng vẫn giữ được vị ngọt của thịt dù phần mỡ nhiều hơn rất nhiều so với phần nạc.
Với món lẩu cá cay, nên ăn vào buổi tối. Nếu không được cay nhiều thì chỉ cần gọi món canh cá cay. Nồi canh cá cay được bê ra với khá nhiều hạt tê. Chỉ đơn giản là cá nấu với dưa, thêm vị cay của hạt tê thôi mà sẽ để lại vị không thể nào quên.
Vào buổi chiều nên đi dọc dòng Đà giang. Hai bên bờ, những ngôi nhà chỉ thấy trong phim cổ trang cứ tiếp nối nhau hiện ra, thâm trầm bên dòng sông với những cây cầu khiến người ta cảm thấy bình yên vì rũ bỏ được hết những vất vả, lo toan của cuộc sống thường ngày. Nhưng cũng chính trong khoảnh khắc đó không tránh khỏi sự bồi hồi nhớ về gia đình, về quê nhà.
Buổi tối là thời gian dành hoàn toàn cho dòng Đà giang, trong đó có cầu đá nhảy. Đây là thời điểm để thấy sự khác biệt giữa ban ngày và buổi tối của Phượng Hoàng cổ trấn. Ánh đèn khiến những ngôi nhà trầm mặc ban ngày trở nên lung linh, in bóng xuống mặt nước.
Cũng ở đây, bạn hãy đứng lại thật lâu để xem câu chuyện của nàng Thuý Thuý do một nữ diễn viên đứng trên thuyền giữa sông diễn tả lại qua những điệu múa. Đây là câu chuyện tình yêu rất buồn. Nét buồn trong từng giai điệu, từng điệu múa như lan toả, ngấm vào suy nghĩ của người xem, để họ lắng lại và quý trọng những gì mình đang có.
Kế đó là cầu đá nhảy – cây cầu được làm bằng các phiến đá hình trụ ghép lại, cách nhau một bước chân, có hai hàng song song. Đây là điểm bất kỳ ai đến cổ trấn đều muốn có tấm ảnh đi trên cầu. Buổi tối, do đông người đổ về địa điểm này nên người ta phải đặt biển đường một chiều (chỉ đặt vào buổi tối), có bảo vệ hướng dẫn.
Để có một bức ảnh đứng một mình trên cầu đá nhảy vào buổi tối trong ánh đèn lung linh là điều gần như không thể vì lúc nào cũng có người đi qua. Do đó, cần tranh thủ buổi sáng hoặc buổi chiều, sau khi đã chiêm ngưỡng những con ngõ nhỏ, những cây cầu đá, cầu gỗ để ra đây chụp ảnh.