Nghi lễ then và những ẩn chứa biểu tượng văn hoá

Lý Viết Trường |

Thực hành Then là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc Tày, Nùng, Thái; từ tháng 12.2019 di sản này đã được Unesco ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tối 3.9, Tuyên Quang tổ chức lễ đón Bằng ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là sự kiện mang ý nghĩa đặc biệt, vừa khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc, vừa ghi nhận công lao đóng góp của cộng đồng và nghệ nhân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản Việt Nam.

Hình thành và tồn tại trong dân gian

Then là loại hình tín ngưỡng có nguồn gốc hình thành từ lâu đời trong dân gian, theo sách Từ điển văn hóa Then (Nhà xuất bản Thế giới ấn hành, năm 2021), các tác giả Hoàng Việt Bình và Lý Viết Trường cho rằng: Trong kho tàng văn hóa đa dạng và phong phú của các dân tộc Tày, Nùng (và Thái), tín ngưỡng Then được coi là một di sản đặc sắc tiêu biểu được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Then thể hiện đời sống văn hóa vô cùng phong phú của con người, là kết tinh của nền văn minh Tày, Nùng (và Thái).

Trong dân gian Then có nhiều tên gọi khác nhau, tùy theo từng địa phương: Pụt, Pựt, Vựt, Vịt, Một, Xên, Thiên, Sliên, Slin, Giàng, Chàng… Then gồm nhiều dòng khác nhau: Then Văn, then Võ, then Xếp, then Pháp, then Quạt, then Nữ (Pụt), then Nam (Giàng)… Giữa các dòng then có những điểm tương đồng và dị biệt, dù theo trường phái nào thì mọi người đều hành nghề theo tôn chỉ “cứu nhân độ thế”.

Di sản then sinh ra từ cộng đồng và gắn bó với cộng đồng. Ảnh: Phan Huy
Di sản then sinh ra từ cộng đồng và gắn bó với cộng đồng. Ảnh: Phan Huy

Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt Bình – Trung tâm Văn hóa tỉnh Lạng Sơn: “Then có nhiều nghi lễ khác nhau, như then cầu an giải hạn, then cống tiến, then chữa bệnh, then chúc tụng… Trong một nghi lễ đoàn quân then phải trải qua nhiều cung cửa, quãng đường từ nơi đẹp đẽ đến gian khổ, từ non cao núi thẳm đến những miền sông nước. Mỗi nghi lễ then, từng cung cửa đều có những ý nghĩa riêng, đằng sau mỗi tên đất, tên người và tên vật đều ẩn chứa những biểu tượng văn hóa”.

Người làm then bao gồm cả nam và nữ: nữ giới làm then được gọi là “mè then”, “nàng then”; nam giới làm then được gọi là “ké then”, “dàng/chàng then”… Có ba con đường đưa một người bình thường trở thành thầy then: 1/ Những người nối nghiệp tổ nghề theo hình thức cha truyền con nối; 2/ Những người sinh ra đã có “căn then”, hay còn gọi là “phi phấc”; 3/ Những người yêu mến then, am hiểu và tự nguyện trở thành thầy then.

Từ trong truyền thống đến hiện tại, mặc dù then đã có những lúc thăng trầm cùng thời cuộc đất nước, nhưng với giá trị nhân văn gắn với cuộc đời nên then vẫn tồn tại trong cộng đồng. Các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang… là những địa phương có nhiều nghệ nhân then nhất, đặc biệt tỉnh Lạng Sơn có hàng chục nghệ nhân then trẻ đang từng ngày tham gia vào công cuộc lưu giữ và bảo vệ di sản dân tộc.

Lạng Sơn đang có một thế hệ then trẻ vừa đông vừa đam mê với nghề. Ảnh: Lưu Minh Dân
Lạng Sơn đang có một thế hệ then trẻ vừa đông vừa đam mê với nghề. Ảnh: Lưu Minh Dân

Phát triển lên sân khấu

Then có thể chia thành 2 loại hình khác nhau: Then tín ngưỡng và then phi tín ngưỡng. Trong đó then tín ngưỡng chính là loại hình then cổ, hình thành và tồn tại trong đời sống dân gian, phục vụ mục đích tâm linh của cộng đồng. Then phi tín ngưỡng hay còn gọi là then văn nghệ là loại hình then ra đời từ đầu thế kỷ XX, gắn với phong trào đặt lời mới dựa trên chất liệu then tín ngưỡng.

Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt Bình, then phi tín ngưỡng được hình thành để phục vụ mục đích cổ vũ kháng chiến, cổ động nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, loại trừ tệ nạn xã hội, ca ngợi quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng… Những người có công đầu trong sáng tạo nên loại hình then phi tín ngưỡng là văn nghệ sĩ, những người làm văn hóa, các nghệ nhân, người yêu then…

Then phát triển từ dân gian lên sân khấu thường gắn liền với các hội thi, hội diễn, liên hoan… Tính từ năm 2005, Liên hoan hát then đàn tính toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức, đến nay Liên hoan hát then đàn tính toàn quốc đã được tổ chức 6 lần, các tỉnh đăng cai lần lượt là Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang và Hà Giang.

Then từ dân gian lên sân khấu. Ảnh: Gia Linh
Then từ dân gian lên sân khấu. Ảnh: Gia Linh

Từ những cuộc liên hoan, nhiều bài then phi tín ngưỡng đã được nhiều người yêu mến và trở thành giai điệu quê hương của các tỉnh: Lạng Sơn có các bài “Lạng Sơn quê nọng” (Hoàng Trung Thu đặt lời), “Xứ Lạng kiên trung” (Lý Tự Hải đặt lời), “Xứ Lạng nên thơ” (Phan Lâm đặt lời); Cao Bằng có các bài “Non xa xa nước xa xa” (Hoa Cương đặt lời), “Suối Lê Nin nhớ Bác” (Hoa Cương đặt lời); Bắc Kạn có “Ba Bể cảnh tiên” (Hoa Cương đặt lời)…

Hiện nay trong bối cảnh thời đại số, trên các nền tảng của internet như Youtube, Facebook, Tiktok… nhiều bài then phi tín ngưỡng đã được đăng lên và thu hút hàng triệu lượt xem, nghe. Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên Youtube dòng nhạc mang tên “then tày, nùng” đã được nhiều tài khoản Youtube phổ biến, thu hút được hàng trăm triệu lượt xem.

Bài then “Pủ sang pủ lường”, một trích đoạn trong then tín ngưỡng mừng thọ đã được nghệ nhân Nguyễn Văn Thọ cải biên và đưa lên sân khấu, trên Youtube video này thu hút gần 1 triệu lượt xem. Bài then “Ba Bể cảnh tiên” do Nghệ sĩ nhân dân Nông Xuân Ái thể hiện, khi đăng lên Youtube cũng đã thu hút gần 1 triệu lượt xem.

Đoàn nghệ nhân then Việt Nam trình diễn thực hành then tại Paris (Pháp). Ảnh: Xuân Bách
Đoàn nghệ nhân then Việt Nam trình diễn thực hành then tại Paris (Pháp). Ảnh: Xuân Bách
Lý Viết Trường
TIN LIÊN QUAN

Bảo tàng Dân tộc học tổ chức chương trình Trung thu

Thanh Hương |

Trong hai ngày 3 và 4.9 (tức ngày 8 và 9.8 Âm lịch), Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức chương trình “Trung thu 2022: Sức sống đồ chơi dân gian”.

Thú vị nội quy chợ đêm của dân tộc Mông ở Hòa Bình

Thúy Ngọc |

Chợ đêm giao lưu văn hóa dân tộc Mông là một trong những trải nghiệm độc đáo, thú vị mà du khách không nên bỏ qua khi ghé thăm Hòa Bình.

Ngày hội Văn hóa các dân tộc Mộc Châu vào nghỉ lễ 2.9

Ý Yên |

Ngày hội văn hóa các dân tộc Mộc Châu, còn có tên gọi khác là Chợ tình Mộc Châu, diễn ra từ ngày 28.8 đến ngày 4.9.

Dừng tổ chức Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính toàn quốc lần thứ VII

Hải Lam |

Do tình hình dịch bệnh COVID-19, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định dừng tổ chức Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái toàn quốc lần thứ VII.