Người nước ngoài nói về “đặc quyền” đón Tết hai lần một năm ở Việt Nam

Ý Yên |

“Thật sự là một “đặc quyền” khi được đón năm mới hai lần một năm, với hai không khí và phong cách hoàn toàn khác biệt”, ông Franck Rodriguez, chia sẻ cảm nhận về Tết Nguyên đán.

Làm việc tại Việt Nam, những nhà quản lý cấp cao trong ngành du lịch và khách sạn cảm nhận nhiều nét đẹp văn hóa, truyền thống đáng quý của người Việt vào dịp Tết Nguyên đán.

Với ông Franck Rodriguez, người Pháp, hiện đảm nhận vị trí Tổng giám đốc Vùng của tập đoàn Banyan Group tại miền Trung Việt Nam, không khí gia đình sum vầy đầm ấm là điều ấn tượng nhất trong lần đầu đón Tết tại Việt Nam.

“Tôi có thể cảm nhận sự mong chờ, háo hức được đoàn tụ với gia đình từ mỗi người nhân viên, niềm hứng khởi và hạnh phúc sum vầy của khách khi lưu trú vào mỗi dịp Tết. Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối tôi là sự bất ngờ và thích thú khi chứng kiến con phố quen thuộc bỗng dưng ngập tràn những chậu hoa, cây cảnh đón Tết”, ông chia sẻ với Lao Động.

Ông Franck Rodriguez hào hứng đón Tết Nguyên đán tại Việt Nam. Ảnh: NVCC
Ông Franck Rodriguez hào hứng đón Tết Nguyên đán tại Việt Nam. Ảnh: NVCC

Theo ông, việc đón cả Tết Dương lịch lẫn Tết Nguyên đán trong một năm là một “đặc quyền”, với hai không khí và phong cách hoàn toàn khác biệt.

“Tết Dương Lịch và Tết Nguyên đán đều là lúc chúng ta chào tạm biệt năm cũ, cơ hội để ta nhìn lại những thăng trầm trong năm vừa qua, và hướng đến năm mới với những lời cầu chúc tốt đẹp nhất. Tết Nguyên đán sẽ là một quá trình, từ việc chuẩn bị đón Tết cho đến cách tận hưởng những ngày đầu năm mới, và dường như không khí trước Tết thậm chí còn rộn ràng, phấn khởi hơn cả những ngày đầu năm”.

Tuy nhiên, việc được đoàn tụ bên gia đình vào dịp Tết Nguyên đán là một điều vô cùng quan trọng. Trong khi đó, điều này không quá quan trọng với người phương Tây, ông Franck chỉ ra điểm khác biệt.

Còn ông Anton Bespalov, người Nga, Tổng Quản lý TUI BLUE Nam Hoi An (Quảng Nam), ấn tượng đầu tiên về Tết là dịp khá khác biệt với văn hóa phương Tây.

Từng có kinh nghiệm làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới, ông Bespalov có cơ hội tiếp xúc với những nền văn hóa khác nhau và trải nghiệm những ngày lễ quan trọng. Ví dụ, ở các nước Hồi giáo, tháng Ramadan quan trọng hơn nhiều so với năm mới Dương lịch, và truyền thống ăn mừng hoàn toàn khác. Nhưng Tết Nguyên đán tại Việt Nam để lại những dấu ấn riêng với ông.

Điều thu hút sự chú ý của Bespalov là tinh thần vui vẻ và hạnh phúc của mọi người, đặc biệt nhất là những giá trị gắn kết gia đình, không khí đoàn viên ngày Tết.

“Điều quan trọng nhất là được ở bên gia đình. Đối với tôi đây là một dịp đặc biệt lưu giữ những giá trị của văn hóa Việt Nam. Giá trị gia đình là nền tảng bền vững cho sợi dây kết nối giữa các thế hệ, văn hóa và truyền thống của người Việt”, ông nói.

Ông Anton Bespalov cùng nhân viên khách sạn chụp hình tại góc Tết Việt trong khách sạn TUI BLUE Nam Hoi An, Quảng Nam. Ảnh: NVCC
Ông Anton Bespalov cùng nhân viên khách sạn chụp hình tại góc Tết Việt trong khách sạn ở Quảng Nam. Ảnh: NVCC

Trong khi đó, bà Mallory Brenda Ewer-Speck, giám đốc phát triển bền vững người Mỹ hiện công tác tại Tập đoàn Thiên Minh (TMG), chưa từng trải nghiệm Tết Âm lịch tại quốc gia nào khác ngoài Việt Nam.

Điều bà nhớ nhất về ngày Tết ở Hà Nội là đường sá bình yên, sắc hoa đào, quất khắp phố phường. Một trong những khoảnh khắc khiến bà ngạc nhiên nhất là chứng kiến người dân thả cá chép xuống hồ Tây.

Khách nhí trải nghiệm xin chữ thầy đồ trong ngày Tết tại TUI BLUE Nam Hoi An, Quảng Nam. Ảnh: NVCC
Khách nhí trải nghiệm xin chữ thầy đồ trong ngày Tết tại TUI BLUE Nam Hoi An, Quảng Nam. Ảnh: NVCC

Dù cảm nhận Tết Nguyên đán theo những góc nhìn riêng, các quản lý cấp cao trong ngành du lịch - khách sạn tại Việt Nam đều hào hứng giới thiệu du khách trải nghiệm ngày lễ đặc biệt này.

“Nếu có dịp đến Việt Nam vào dịp đặc biệt này, bạn nhất định phải trải nghiệm không khi nô nức đón Tết của người Việt, tùy vào mỗi vùng miền mà bạn ghé thăm, hãy gặp gỡ người dân địa phương, cùng trải nghiệm những phong tục tập quán như gói, nấu bánh chưng, ghé thăm chợ hoa ngày Tết, nếm thử những món ngon đặc trưng, và đặc biệt là những cung đường hoa chào đón Tết rực rỡ. Tuy nhiên, hãy chú ý về thời gian mở cửa của một số cửa hàng dịch vụ trong giai đoạn này”, ông Franck Rodriguez bày tỏ.

Du khách trải nghiệm gói bánh chưng Tết tại Banyan Tree Lăng Cô, Thừa Thiên Huế. Ảnh: NVCC
Du khách trải nghiệm gói bánh chưng Tết tại khu nghỉ dưỡng Banyan Tree Lăng Cô, Thừa Thiên Huế. Ảnh: NVCC
Ý Yên
TIN LIÊN QUAN

Tại sao người Việt dựng cây nêu ngày Tết bằng tre?

Lê Tuyến |

Nhiều nét văn hóa ngày Tết của người Việt vẫn được giữ gìn, trong đó có tục dựng cây nêu. Nhưng không phải ai cũng biết vì sao cây nêu làm bằng tre.

Làng hương Huế từ thời Nguyễn rộn ràng dịp Tết đến Xuân về

PHÚC ĐẠT - NGUYỄN LUÂN |

HUẾ - Làng hương Thủy Xuân nổi tiếng với truyền thống làm hương từ thời nhà Nguyễn đến nay. Nhữmg năm trở lại, máy móc được đưa vào hỗ trợ con người, năng suất gấp nhiều lần so với làm thủ công.

Cực phẩm hành nén Kinh Môn trên mâm cỗ Tết ở Hải Dương

Lê Tuyến |

Theo truyền thống “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”, mâm cỗ TếtHải Dương bao đời không thể thiếu hành nén, hay hành muối. Nhưng phải là hành Kinh Môn mới chuẩn vị.

Khách Tây hiếu kỳ vì đường sá ngày Tết vắng nhưng đền chùa đông

Anh Vũ |

Khách nước ngoài du lịch đúng dịp Tết Nguyên đán hứng thú với sự thay đổi của phố phường và phong tục lễ chùa đầu năm của người Việt Nam.