Nguồn lực di sản với sự nghiệp phát triển bền vững

LÝ VIẾT TRƯỜNG |

Việt Nam là đất nước sở hữu nguồn lực di sản vô cùng phong phú và đa dạng, tính đến tháng 9.2022 nước ta có 8 di sản đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới, đó là động lực để thúc đẩy sự nghiệp phát triển bền vững.

Tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước 1972),  Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết trước thời điểm dịch COVID-19, năm 2019, các Di sản Thế giới ở Việt Nam đã đón trên 19 triệu lượt khách đến tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm, với tổng doanh thu từ vé tham quan, dịch vụ đạt 1.800 tỉ đồng.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Đây là minh chứng sống động cho việc phát huy giá trị của di sản, khẳng định sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các di sản thế giới tại Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, tạo sinh kế cho cộng đồng nơi có di sản, góp phần cân bằng/bảo vệ môi trường, củng cố hòa bình và an ninh theo hướng phát triển bền vững cho Việt Nam và thế giới”.

Nguồn lực di sản ở Việt Nam

Di sản là tài sản do quá khứ để lại như những địa danh văn hóa và thiên nhiên, những đồ vật cổ, những nơi diễn ra hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo hay một di tích lịch sử… có giá trị về mặt vật chất và tinh thần. Công ước di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của UNESCO năm 1972, đưa ra định nghĩa như sau:

Di sản văn hóa là: Các di tích như công trình kiến trúc, điêu khắc hoặc hội họa hoành tráng, các yếu tố hay kết cấu có tính chất khảo cổ, các văn bản, các hang động và các nhóm yếu tố có giá trị quốc tế đặc biệt về phương diện lịch sử, nghệ thuật hay khoa học; các quần thể như nhóm công trình xây dựng đứng một mình hoặc quần tụ có giá trị quốc tế đặc biệt về phương diện lịch sử, nghệ thuật hay khoa học, do kiến trúc, sự thống nhất của chúng hoặc sự nhất thể hoá của chúng vào cảnh quan; các thắng cảnh như công trình của con người hoặc những công trình của con người kết hợp với các công trình của tự nhiên, cũng như các khu vực, kể cả các di chỉ khảo cổ học, có giá trị quốc tế đặc biệt về phương diện lịch sử, thẩm mỹ, dân tộc học hoặc nhân chủng học.

Di sản tự nhiên là: Các di tích tự nhiên được tạo thành bởi những cấu trúc hình thể và sinh vật học hoặc bởi các nhóm cấu trúc như vậy, có một giá trị đặc biệt về phương diện thẩm mỹ hoặc khoa học; các cấu trúc địa chất học và địa lý tự nhiên và các khu vực có ranh giới đã được xác định là nơi cư trú của các giống động vật và thực vật có nguy cơ bị tiêu diệt, có giá trị quốc tế đặc biệt về phương diện khoa học bảo tồn; các cảnh vật tự nhiên hoặc các khu vực tự nhiên có ranh giới đã được xác định cụ thể, có giá trị quốc tế đặc biệt về phương diện khoa học, bảo tồn hoặc vẻ đẹp thiên nhiên.

Di sản hỗn hợp là khái niệm chỉ mối quan hệ tương hỗ giữa văn hóa và thiên nhiên của một số khu di sản. TS Nguyễn Văn Thắng – Đại học Thủ đô Hà Nội giải thích thêm: “Di sản hỗn hợp là một loại di sản kép, nó đáp ứng đủ cả hai yếu tố nổi bật về văn hóa và thiên nhiên. Một địa danh được công nhận là di sản hỗn hợp phải thỏa mãn ít nhất một tiêu chí về di sản văn hóa và một tiêu chí về di sản thiên nhiên”.

Việt Nam là một quốc gia có nguồn lực di sản phong phú, với đầy đủ 3 loại hình di sản, trong đó nổi bật nhất là di sản văn hóa. Tính đến nay Việt Nam đã có 8 di sản được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới, trong đó có 5 di sản văn hóa, 2 di sản thiên nhiên và 1 di sản hỗn hợp.

Di sản văn hóa thế giới gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), được UNESCO công nhận vào năm 1993; Khu di tích Chăm Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam), công nhận năm 1999; Đô thị cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam), công nhận năm 1999; Hoàng Thành Thăng Long (Thủ đô Hà Nội), công nhận năm 2010; Di tích Thành Nhà Hồ (tỉnh Thanh Hóa), công nhận năm 2011.

Di sản thiên nhiên thế giới gồm: Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), công nhận vào năm 1994 và 2000; Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình), công nhận 2003 và 2005.

Di sản hỗn hợp: Quần thể danh thắng Tràng An (tỉnh Ninh Bình), công nhận năm 2014.

Vịnh Hạ Long nhìn từ trên cao. Ảnh: Thanh Hà
Vịnh Hạ Long nhìn từ trên cao. Ảnh: Thanh Hà

Di sản với phát triển bền vững

Phát triển bền vững được hiểu là sự phát triển có thể đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Sự phát triển bền vững  bao gồm bốn trụ cột cơ bản đó là: Kinh tế, văn hóa, môi trường và xã hội. Để đạt được các yêu cầu về trách nhiệm bảo vệ môi trường, công bằng xã hội và phát triển kinh tế, phải thông qua việc định hình các giá trị và giáo dục hành vi cá nhân mỗi người trong xã hội. Vì vậy, một xã hội phát triển bền vững phải dựa vào sự bền vững về văn hoá; mọi hành động nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững không chỉ liên quan đến môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và sự phát triển kinh tế mà còn là môi trường văn hoá.

Hiện nay nước ta đang bước nhanh trên con đường hội nhập toàn cầu hóa, đó là thời cơ nhưng cũng là thách thức đối với công cuộc bảo vệ và phát huy di sản. Trong xu thế toàn cầu hoá về kinh tế, quốc tế hoá về văn hoá hiện nay, theo GS.TS Trương Quốc Bình - Hội đồng di sản quốc gia Việt Nam, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản ở Việt Nam cần phải được đổi mới, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trình độ khoa học và phương thức hoạt động. Đồng thời, tăng cường các hoạt động hợp tác sẵn có với các đối tác cũ và mới để có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.

Để tiếp tục phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững đất nước, GS.TS Trương Quốc Bình đề xuất một số giải pháp cụ thể để góp phần vào công cuộc bảo tồn di sản: Tăng cường việc đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản; đổi mới các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản; khuyến khích các hoạt động nhằm phát huy vai trò của các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân tham gia vào các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản; đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ và khai thác di sản tại các khu vực biển, đảo, chuẩn bị ứng phó với những nguy cơ rủi ro thiên tai và những tác động của biến đổi khí hậu; đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản; tăng cường công tác đào tạo đội ngũ công chức, viên chức làm quản lý, nghiên cứu và phát huy giá trị di sản, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.

LÝ VIẾT TRƯỜNG
TIN LIÊN QUAN

Ninh Bình tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước UNESCO 1972

Chí Long |

Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước 1972) sẽ diễn ra tại Ninh Bình vào ngày 6.9 với chủ đề "Di sản thế giới vì tự cường và phát triển bền vững".

Ninh Bình đón hơn 15 vạn lượt khách trong 4 ngày lễ 2.9

NGUYỄN TRƯỜNG |

Ninh Bình - Trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2.9, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đón trên 15 vạn lượt khách.

Ninh Bình đón gần 2,5 triệu lượt khách trong 8 tháng

Ý Yên |

Trong tháng 8 năm 2022, Ninh Bình đón khoảng 320.000 lượt khách, trong đó có gần 5.000 lượt khách nước ngoài. Doanh thu ước đạt gần 260 tỷ đồng.

Thêm 10 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Thiều Anh |

Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát sắc bùa của người Mường, Lễ mừng thọ của người M'nông... vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.