Nhịp sống chậm ở làng Hollywood Hà Nội

NGUYỄN PHƯƠNG |

Làng Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) được mệnh danh là làng điện ảnh của Việt Nam. Các bộ phim như “Đất và người”, “Gió làng Kình” đều lấy bối cảnh ở đây.

Cách trung tâm thành phố Hà Nội về phía Tây khoảng 5km, làng Tây Mỗ (thuộc phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) mang nét trầm ngâm, cổ kính. Trong ngạn ngữ về đất Thăng Long Hà Nội có câu “Nhất Mỗ, nhì La, thứ ba Canh, Cót” để nói về cảnh đẹp và truyền thống văn hóa của nơi đây. “Mỗ” ở đây chính là làng Tây Mỗ và Đại Mỗ. Làng Tây Mỗ có nhiều người tài năng, đỗ đạt. Đại Mỗ có “Tam vị đại Vương”.

Làng Tây Mỗ là một ngôi làng có bề dày truyền thống Nho học, vị trí giao thông thuận lợi cho việc giao lưu, buôn bán, có nghề dệt thủ công ổn định để nâng cao thu nhập cho người dân. Người dân làng cho biết: “Hiện nay các dòng họ lâu đời ở làng vẫn duy trì quỹ khuyến học để khích lệ tinh thần học tập của con em trong làng. Cháu nào có thành tích học tập tốt sẽ được tuyên dương, khen thưởng...”.

Làng Tây Mỗ được nhiều đoàn làm phim Việt Nam lựa chọn  để làm bối cảnh cho tác phẩm.
Làng Tây Mỗ được nhiều đoàn làm phim Việt Nam lựa chọn để làm bối cảnh cho tác phẩm.

Là một làng ngoại thành Hà Nội gồm 6 thôn có những ngõ nhỏ ngoằn nghèo, những nhà thờ họ, bến nước, sân đình rêu phong vô cùng bình dị. Bởi mang đậm dáng dấp của làng quê truyền thống miền Bắc lại vô cùng cổ kính nên nơi đây thường được các đoàn phim chọn làm bối cảnh.

Con đường đi qua chùa Tây Mỗ với hình ảnh con đường gạch, rặng tre um tùm, giờ đây để thuận lợi cho việc đi lại, chính quyền đã thay đổi đường đất dẫn vào làng thành đường bêtông nhưng cây đa cổ thụ vẫn được giữ lại nguyên vẹn. Các nhà làm phim thường ghi hình nhiều nhất ở đây. Rồi trong chương trình “Gặp nhau cuối năm” cũng hay chọn đình làng Tây Mỗ để làm nơi quay. Ông Sơn (người dân làng Tây Mỗ) chia sẻ: “Những năm đầu thế kỷ XXI làng tôi bắt đầu lên phim rất nhiều. Ra ngoài tôi cũng nghe nhiều người kể, khen ngợi về cảnh làng. Tôi cũng cảm thấy tự hào và mừng lắm”.

Đi vào trong làng, điểm đầu tiên dễ thấy chính là đình làng - biểu tượng của làng. Đình làng Tây Mỗ được xây dựng vào đầu thế kỉ XVII - nơi lưu giữ bản sắc phong thần vào năm thứ 28 đời vua Lê Cảnh Hưng và 12 đạo sắc phong niên đại từ thời vua Lê Cảnh Hưng tới thời vua Khải Định cùng nhiều dị vật có giá.

Bà Hoàng Thị Yên (người dân làng Tây Mỗ) dẫn chúng tôi thăm quan bên ngoài ngôi nhà cổ của dòng họ Nghiêm Xuân - nơi góp mặt trong rất nhiều bộ phim. Bà cho biết: “Năm 2001, nhà từ đường 8 mái của dòng họ lần đầu tiên được đưa lên bộ phim “Bác Cả - người sung sướng”. Từ đường cao, uy nghi, cổ kính; nhà ở thấp hơn, bình dị và thân quen.

Điểm đặc biệt của nhà thờ này không chỉ ở kiến trúc 8 mái mà bên trong có nhiều bức thiều châu dát vàng, hai bia đá chữ Hán Nôm lưu danh người đỗ đạt của dòng họ và rất nhiều binh khí cổ. Đối diện với nhà từ đường này là ngôi nhà ở 5 gian. Bối cảnh chính cho bộ phim “Lời nguyền huyết ngải” được lấy tại đây. Khuôn viên ngôi nhà dòng họ Nghiêm Xuân cũng trở thành bối cảnh cho rất nhiều bộ phim khác như: “Ma Làng”, “Vị tướng tình báo và hai bà vợ”, “Làng ven đô”, “Gió làng Kình”...”.

Nhiều năm trôi qua từ khi được thành lập và có nhiều đổi mới nhưng nét bình dị, chân chất, hồn quê vẫn hiện lên rõ nét ở Tây Mỗ. Những lối mòn của ngõ nhỏ, gốc đa, bến nước, sân đình, bức tường in màu thời gian hài hòa đến độ du khách đến thăm nơi đây không khỏi ngạc nhiên và thích thú trước không gian này.

Nhiều ngôi nhà ở Tây Mỗ vẫn giữ lại kiến trúc 3 gian, 5 gian liền kề nhau, trước mặt là khoảng sân rộng được lát gạch. Khuôn viên hai bên hông men theo lối nhỏ từ cổng đi vào trong nhà. Thường ở nơi đây còn có những bể nước được chạm trổ hoa văn. Bể nước, chum vại cũ, bờ tường rêu phong thường là những cảnh được các nhà làm phim sử dụng. Không khó để tìm được địa điểm ưng ý cho mỗi khung hình của nhà làm phim. Nhịp sống dường như chậm lại trong những ngôi nhà tại vùng đất này.

Làng còn có ngôi nhà thờ tự của dòng họ Trần Đăng có tuổi thọ hơn 100 năm. Các bộ phim có cảnh quay nhà thờ họ, gia đình có truyền thống hiếu học hay được thực hiện ở đây. Ngoài nhà thờ họ thì khu sân vườn, ao cá tại nhà thờ cũng rộng hàng nghìn mét vuông.

Chính nhờ những đặc điểm trên nên làng Tây Mỗ được nhiều đoàn làm phim và êkíp các chương trình truyền hình Việt Nam lựa chọn để làm bối cảnh cho tác phẩm của mình. Phần vì bối cảnh quá hợp với kịch bản, một phần nhằm mục đích quảng bá vẻ đẹp của ngôi làng cổ kính này.

Làng Tây Mỗ không chỉ là điểm đến hoàn hảo cho những ai muốn “chạy trốn” khỏi tiếng ồn ào và nhịp sống xô bồ ở Thủ đô. Nơi đây còn là nơi hành hương cho những trái tim khát khao một lần được chìm đắm vào không gian sinh hoạt của ông cha ta thời kì trước. Đến đây, du khách vừa được tìm hiểu không gian văn hóa xưa, chiêm nghiệm những điều thú vị của một làng cổ ở ngay thời kì hiện đại. Nơi đây giống như chuyến tàu quay ngược lại thời gian để tìm về khoảnh khắc mấy mươi năm về trước. Hi vọng chính quyền nơi đây sẽ có các biện pháp để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của làng.

Xem thêm: Trải nghiệm làng nghề truyền thống ở Yên Tử, Quảng Ninh

Làng nghề nhạc cụ dân tộc Đào Xá

NGUYỄN PHƯƠNG
TIN LIÊN QUAN

Khám phá không gian sống của giới siêu giàu Hà Nội hơn 100 năm trước

VĨNH HOÀNG - HỮU CHÁNH |

Những giá trị văn hóa, lịch sử của người dân Hà Thành giai đoạn đầu thế kỉ 20 được tái hiện một cách rõ nét tại triển lãm "Nếp xưa".

Đẹp mê hồn những xe hoa chở mùa thu Hà Nội

Trang Ngọc (Ảnh: Quốc Sĩ) |

Mùa thu về, trên những tuyến đường Phan Đình Phùng, Thụy Khuê, Yên Phụ..., không khó để bắt gặp những xe hoa bán rong, rực rỡ mà bình yên như chở cả mùa thu Hà Nội.