Thăm làng Chăm yên bình bên dòng sông Hậu, An Giang

Hải Minh |

Làng Chăm Châu Giang tọa lạc tại xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Làng cách trung tâm thành phố Châu Đốc khoảng 3km.

Làng Chăm Châu Giang là ngôi làng theo đạo Hồi, dân cư trong làng sống chủ đạo với việc kinh doanh thuốc, thổ cẩm, trang sức. Họ còn đánh bắt thủy sản hay đan dệt vải dân tộc, là những sản phẩm được khách du lịch quan tâm và hỏi mua nhiều. 

Nhờ sự truyền miệng từ dân phượt, dần dà, làng Chăm Châu Giang ngày càng đón nhận nhiều khách tham quan. Ngoài các món quà thổ cẩm lưu niệm, đồ ăn đặc sản với mùi vị Hồi giáo truyền thống cổ truyền cũng dần trở nên đắt hàng.

Làng Chăm Châu Giang. Ảnh: Mia
Làng Chăm Châu Giang. Ảnh: Mia

Trong số các làng Chăm ở An Giang thì có thể nói, làng Chăm Châu Giang là nơi còn lưu giữ khá nhiều nét văn hóa độc đáo trong đời sống vật chất lẫn tinh thần. Nổi bật trong số đó có thể kể đến nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tập tục sinh sống nhà sàn và tín ngưỡng Hồi giáo dưới bóng thánh đường.

Chính từ điều này mà làng Chăm Châu Giang thường được các các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ tìm đến để lấy cảm hứng sáng tác nhiều tác phẩm văn học và nghệ thuật.

Hàng ngày, các tín đồ đến thánh đường 5 lần để cầu kinh, mỗi lần khoảng 15 phút. Ảnh: TQ
Hàng ngày, các tín đồ đến thánh đường 5 lần để cầu kinh, mỗi lần khoảng 15 phút. Ảnh: HM

Bên cạnh đó, một điểm thu hút khách du lịch nữa đó là những ngôi nhà sàn độc lạ theo phong tục người Chăm. Nhà sàn ở nơi đây khác với nhà sàn của các dân tộc thiểu số nơi vùng cao. Chúng thường rất cao và được sử dụng 100% gỗ quý nguyên chất như cà chất, căm xe, thậm chí sử dụng cả loại gỗ đắt giá giáng hương. Không gian nhà tinh tế, rộng rãi và thoáng mát.

Đến đây, trong không gian vùng quê yên tĩnh đậm chất sông nước miền Tây, du khách sẽ được cảm nhận sự thân thiện và hiếu khách của bà con.

Với cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi lớn, An Giang có rất nhiều thánh đường và tiểu thánh đường; nổi bật nhất trong số đó là thánh đường Mubarak được công nhận là Di sản quốc gia.

Thánh đường Mubarak – nơi tôn nghiêm trong tín ngưỡng của người Chăm. Ảnh: TQ
Thánh đường Mubarak – nơi tôn nghiêm trong tín ngưỡng của người Chăm. Ảnh: HM
Trao đổi với Lao Động, ông Sahot Hamid (73 tuổi, Thành viên ban quản trị thánh đường Nek Mad) cho biết:

"Nét đẹp văn hóa của người Chăm đa dạng và phong phú. Nhưng tôi chỉ nói một vài vấn đề đơn giản mà ai cũng nhìn thấy. Đó là người Chăm không ăn mặc hở hang, luôn luôn kín đáo.

Đây là nét văn hóa đặc trưng của người Chăm. Ngoài ra, trong thôn xóm, nhất là những cô gái, không bao giờ để đầu trần, bước ra khỏi nhà phải có nón. Còn đối với đàn ông, thường quấn váy và đội nón khi hành lễ hàng ngày".

Ông Sahot Hamid cho biết thêm, một đặc trưng khác của người Chăm là trong giáo luật tuyệt đối cấm rượu chè, cờ bạc, chất ma túy, mại dâm... Bởi những thứ đó thuộc về điều cấm của giới luật.

Tại những buổi hành lễ ở thánh đường, lớp trẻ trong làng luôn được dạy dỗ cẩn thận những giáo luật của người Chăm và chữ viết, tiếng nói riêng của dân tộc. Ban ngày, các em học văn hóa, ban đêm học tiếng nói của dân tộc.

Hải Minh
TIN LIÊN QUAN

Về An Giang khám phá thủ phủ mắm của miền Tây Nam Bộ

Hải Minh |

Một trong những nơi được nhiều du khách tìm đến vào mỗi buổi sáng khi đến An Giang chính là chợ Châu Đốc.

Gợi ý những món ăn du khách nên thử khi đến An Giang

Thảo Hương (T/H) |

Tại An Giang có rất nhiều món ăn ngon mà du khách nhất định phải thử khi đến du lịch.

Những điểm du lịch hấp dẫn nhất ở An Giang

Chí Long |

Khi đến thăm vùng đất An Giang, bạn đừng nên bỏ lỡ những điểm đến hấp dẫn như rừng tràm Trà Sư, chợ nổi Long Xuyên hay cánh đồng Tà Pạ...