Về huyện Thạch Thất thăm làng nghề Chàng Sơn, Thạch Xá

Bài và ảnh Thái A |

Hầu hết quạt giấy được sản xuất ở làng Chàng Sơn, còn chuồn chuồn có nguồn gốc ở làng Thạch Xá (huyện Thạch Thất).

Hà Tây xưa là đất trăm nghề, từ nghề mộc cho tới thổi thủy tinh, chạm trổ gỗ, thêu thùa, may mặc, thậm chí nấu ăn cũng tài hoa hơn người. Chỉ là mấy món đồ giản đơn nhưng để làm ra cũng đòi hỏi tâm huyết và tay nghề khéo léo.

Về làng Thạch Xá, huyện Thạch Thất, hỏi thăm nhà anh chị Liên - Xoan thì ai cũng biết. Căn nhà nhỏ đúng kiểu nhà gạch ở quê bừa bộn các thân tre nguyên liệu nhưng cũng đủ chỗ để trải chiếu giữa nhà. Nơi đó lũ trẻ được cha mẹ ông bà đưa tới trải nghiệm sẽ ngồi ở đó, cùng người thợ thủ công thử vẽ lên cánh chuồn chuồn tre những đường nét họa tiết.

Những con chuồn chuồn tre to nhỏ các cỡ.
Những con chuồn chuồn tre to nhỏ các cỡ.

Kể về cơ duyên đưa đẩy mình từ một nhà nông chính gốc sang nghề thủ công, anh Đỗ Văn Liên (SN 1964) cho biết, cách đây hơn 20 năm, tình cờ anh có trong tay một con chuồn chuồn, không biết xuất xứ từ đâu. Ngắm nghía chán, anh quyết định thử lấy tre về làm. Thử đi thử lại rồi cuối cùng cũng thành công, bởi đâu có phức tạp gì, cũng chỉ là mấy tấm tre lành canh vót mỏng. Giống tre này không bị mối mọt, đây là lựa chọn của anh sau nhiều lần thử dùng các loại tre khác nhau.

Các con giống làm bằng vật liệu tre, gỗ.
Các con giống làm bằng vật liệu tre, gỗ.

Cái khó nhất là độ cân bằng của cánh và điểm giữ thăng bằng ở miệng, cái này cần xử lý với độ chính xác cao. Ngắm con chuồn chuồn đậu chênh vênh trên một mỏm gỗ, gió thổi kiểu gì cũng không rơi sẽ cho ta cảm giác thú vị và biết đâu đấy, nảy sinh ra những triết lý hay ho về lẽ nhân sinh. Có phải con người sống trên đời cũng thế không? Luôn phải giữ thăng bằng cho mình dù mưa gió dập vùi thế nào đi nữa? Còn với lũ trẻ, chuồn chuồn tre thật mới mẻ, đơn giản nhưng gần gũi, thật khác với những món đồ lắp ghép khù khoằm.

Chuồn chuồn tre sau khi được người thợ miệt mài cắt, đánh bóng, khoan, vẽ màu...
Chuồn chuồn tre sau khi được người thợ miệt mài cắt, đánh bóng, khoan, vẽ màu...

Trải qua hơn 20 năm làm nghề, gia đình anh chị Liên - Xoan có thể coi là nơi khai sinh ra nghề này cho làng. Đã từng có rất nhiều người làng học theo và sản xuất, nhưng đại dịch COVID-19 như cơn bão xua tan tác mọi sinh kế, cho tới nay thì cuối cùng chỉ còn một nhà anh chị trụ lại với nghề. Hàng ngày miệt mài cắt, đánh bóng, khoan, vẽ màu, 2 vợ chồng có thể làm tối đa 100 con chuồn chuồn hoặc vài loại con giống khác, trung bình mỗi con bán 10.000 nghìn đồng. Một khoản thu nhập nhiều thì cũng không hẳn mà ít thì cũng không phải, đại loại là đủ sống chốn thôn quê.

Các công đoạn làm chuồn chuồn tre.
Các công đoạn làm chuồn chuồn tre.

Ban đầu là hình dáng con chuồn chuồn, sau này anh chị làm thêm các loại chim, bướm, bồ câu, rùa, ong, rồng..., tất nhiên kích cỡ cũng chỉ từ 10-40cm, chứ to hơn thì không có ai đặt hàng. Thu nhập của nghề này không chỉ đến từ bán sản phẩm mà còn thu tiền khách đến trải nghiệm, tức là có thể vẽ thoải mái lên con giống, ngồi nghe kể chuyện với chi phí 30.000 nghìn đồng/khách. Anh chị cũng thường được người ta mời tới các trường học để cho học sinh tập làm, coi như hoạt động ngoại khóa. Đơn giản vậy thôi, chứ không thể so sánh được với các làng nghề nổi tiếng vốn nườm nượp khách du lịch nước ngoài tới thăm quan.

Nhiều du khách thích thú với trải nghiệm làm chuồn chuồn tre.
Nhiều du khách thích thú với trải nghiệm làm chuồn chuồn tre ở huyện Thạch Thất.

Để có được độ thăng bằng của chuồn chuồn, quan trọng nhất là 4 mũi khoan ở sườn phải có độ chếch bằng nhau, lệch là cánh khi gắn vào sẽ bị xộc xệch, không đậu được. Đúng là có khi luyện chục năm mới có thể khoan một mũi ra hồn. Xem cách anh khoan, ta lại nhớ tới những mũi khoan thủ công của thợ làm lồng chim ở Vác. Cũng phải chính xác tới từng 1/10mm mới cho ra đời những chiếc lồng tre óng ả, tưởng rất mỏng manh nhưng bền tới vài chục năm.

Nghề thủ công ở xứ này vậy đấy, bận rộn luôn tay luôn chân nhưng cũng chỉ để thăm thắt chút đỉnh cho cuộc sống chứ chẳng thể giàu. Hàng xóm cũng đã bỏ nghề, con cháu cũng đã đi làm trên thành phố, chỉ hai vợ chồng lặng thầm chế tác những con giống để cuộc sống ngoài kia thêm một chút sắc màu. Từ đây, những chú chuồn chuồn tre đã bay tới các quốc gia xa xôi, Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nơi khác nữa.

Bài và ảnh Thái A
TIN LIÊN QUAN

Thăm làng Chăm yên bình bên dòng sông Hậu, An Giang

Hải Minh |

Làng Chăm Châu Giang tọa lạc tại xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Làng cách trung tâm thành phố Châu Đốc khoảng 3km.

Chiêm ngưỡng “cổng” làng đặc biệt giữa vịnh Hạ Long

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh - Để vào làng chài Vung Viêng ở giữa biển bằng cửa chính, du khách phải đi qua một “cổng” đặc biệt. “Cổng” vòm rộng, dài, phía trên là núi đá, dưới là biển và chỉ đủ độ cao cho thuyền nan chui qua.

Trải nghiệm làng nghề truyền thống ở Yên Tử, Quảng Ninh

Quỳnh Nga |

Không gian văn hóa Làng Nương dưới chân núi Yên Tử (Quảng Ninh) đang là điểm đến thu hút du khách bậc nhất trong thời gian gần đây.

Thăm làng Chăm yên bình bên dòng sông Hậu, An Giang

Hải Minh |

Làng Chăm Châu Giang tọa lạc tại xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Làng cách trung tâm thành phố Châu Đốc khoảng 3km.

Chiêm ngưỡng “cổng” làng đặc biệt giữa vịnh Hạ Long

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh - Để vào làng chài Vung Viêng ở giữa biển bằng cửa chính, du khách phải đi qua một “cổng” đặc biệt. “Cổng” vòm rộng, dài, phía trên là núi đá, dưới là biển và chỉ đủ độ cao cho thuyền nan chui qua.

Trải nghiệm làng nghề truyền thống ở Yên Tử, Quảng Ninh

Quỳnh Nga |

Không gian văn hóa Làng Nương dưới chân núi Yên Tử (Quảng Ninh) đang là điểm đến thu hút du khách bậc nhất trong thời gian gần đây.