Các nhà nghiên cứu làm việc tại thành phố cổ Lagash phát hiện một quán rượu, nằm ẩn dưới bề mặt đất chỉ 6m, được chia thành khu vực ăn uống ngoài trời và một phòng có ghế dài, lò nướng, và thậm chí là cả "tủ lạnh".
Reed Goodman, một nhà khảo cổ học từ Đại học Pennsylvania, nói với CNN, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra chiếc lò nướng công nghiệp, một chiếc "tủ lạnh" hút ẩm để giữ mát thức ăn và hàng chục chiếc bát hình nón, nhiều chiếc đựng xác cá.
Lagash, nay là thị trấn al-Hiba, là một trong những thành phố lâu đời nhất và lớn nhất ở miền nam Lưỡng Hà – đã tồn tại từ thiên niên kỷ thứ năm cho đến giữa thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên. Khu vực này trở thành địa điểm khảo cổ quan trọng, với các cuộc khai quật được bắt đầu lại gần đây nhất vào năm 2019. Đây là dự án chung giữa Bảo tàng Penn, Đại học Cambridge và Ủy ban Cổ vật và Di sản Bang ở Baghdad, sử dụng các kỹ thuật mới như chụp ảnh bằng máy bay không người lái và phân tích di truyền.

Các cuộc khai quật trước đây tập trung vào kiến trúc tôn giáo và tìm hiểu giới thượng lưu, nhưng Holly Pittman - giám đốc Dự án Khảo cổ học Lagash - đã tập trung vào các khu vực không thuộc giới thượng lưu trong các cuộc khai quật mới nhất này để mang lại hiểu biết rộng hơn về cổ đại.
Việc phát hiện quán rượu cho thấy, xã hội trước kia không được tổ chức thành chỉ giới thượng lưu và nô lệ - quan điểm phổ biến trước đây - mà bao gồm cả tầng lớp trung lưu cổ đại.
Goodman nói: “Thực tế là bạn có một nơi tụ họp công cộng, nơi mọi người có thể ngồi xuống uống một ly và ăn món cá hầm, họ không phải lao động dưới sự chuyên chế của các vị vua". Rõ ràng, lịch sử cổ đại cũng rất nhiều màu sắc đa dạng.