Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay hệ thống khách sạn quy mô vừa và nhỏ hạn chế về nguồn khách quốc tế nên chưa kịp phục hồi. Nguồn lực nhân sự chất lượng cao chuyển sang nghề khác và không có xu hướng trở lại.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất đang xuống cấp, chưa đáp ứng tiêu chí kinh doanh lưu trú theo quy định của Luật Du lịch. Do đó, thành phố xuất hiện nhiều khách sạn đóng cửa kinh doanh hoặc thay đổi loại hình kinh doanh để bám trụ.
Bà Nguyễn Thị Thúy Loan, đại diện Khách sạn A25, chia sẻ, mặc dù dịch bệnh đã qua đi nhưng hậu quả để lại quá nặng nề. Đến nay, lượng du khách vẫn không thể ổn định như trước dịch. Doanh thu giảm, cơ sở vật chất bị xuống cấp, trong khi quá nhiều chi phí phải chi trả, khiến doanh nghiệp cạn kiệt nguồn vốn để nâng cấp cơ sở vật chất.
Sự suy thoái của kinh tế trong và sau dịch đã dẫn đến thay đổi hành vi khách hàng tại các thị trường khách du lịch lớn và trọng điểm, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này khiến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú đối mặt với muôn vàn khó khăn.
“Chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn, doanh thu chỉ đủ đáp ứng các khoản chi phí phải trả hàng tháng như: Lương, chi phí điện nước, internet, và các khoản phí khác, doanh nghiệp kinh doanh không có lãi”, đại diện khách sạn Wink, chia sẻ.
Hiện nay, các khách sạn có quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn khách nội địa và quốc tế, nhất là lượng khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh còn thấp chưa đạt được như kỳ vọng (độ dài lưu trú và chi tiêu bình quân còn thấp).
Dịch bệnh kéo dài dẫn đến nhiều nhân sự của các cơ sở lưu trú đã chuyển ngành nghề và không quay lại lĩnh vực du lịch, một số nhân sự nghỉ việc về quê và không quay lại… dẫn đến sự thiếu hụt nhân sự ở các cơ sở lưu trú, nhất là nguồn lực có kinh nghiệm chuyên môn và chất lượng cao.
Ngoài ra, nhiều cơ sở lưu trú gặp khó khăn về thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy (do cơ sở xuống cấp, không đáp ứng các tiêu chí về điều kiện phòng cháy, nhất là các cơ sở lưu trú vừa và nhỏ xây dựng trước khi Luật phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực…).
Tính tới cuối năm 2022, trên địa bàn thành phố có 3.227 cơ sở lưu trú du lịch các loại. Trong đó, 325 khách sạn được xếp hạng từ 1-5 sao, 2.902 khách sạn đạt tiêu chí tối thiểu cơ sở vật chất và kỹ thuật dịch vụ. So với cuối năm 2019, tổng số cơ sở lưu trú hạng từ 1-5 sao, giảm từ 1.342 cơ sở còn 325 cơ sở (giảm tương ứng 312% so với cùng kỳ năm 2019), số lượng giảm mạnh tập trung ở các khách sạn 1-2 sao.