Trước thực trạng tái diễn việc người dân, du khách mang thức ăn lên cho khỉ núi Sơn Trà ăn, anh Bùi Văn Tuấn – Thạc sĩ ngành sinh thái học cho biết, hiện nay chưa có quy định nào để các cơ quan chức năng như Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng hay chính quyền địa phương xử phạt người cho khỉ ăn.
Trong khi việc cho khỉ ăn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh chéo giữa người và khỉ rất lớn. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, khỉ ở ngoài tự nhiên mang nhiều virus gây bệnh như sốt vàng, các bệnh liên quan đến bệnh dại và nhiều nhóm virus khác.
Những loại virus đó ở trong khỉ không gây bệnh, nhưng chỉ cần virus đó tiếp cận con người khi bị khỉ cào chân, tay hoặc vết cắn bằng miệng, thông qua nước bọt con người có thể bị mắc các bệnh trên và có thể lây lan thành dịch.
Anh Tuấn đề xuất, trong lúc chờ đợi một đơn vị nào đó kiến nghị có quy định xử phạt hay sự thay đổi của luật, chính quyền địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan lập hàng rào mềm tương tự như khu vực đoạn lên khu bảo tồn từ phía cảng Tiên Sa.
Việc này không phải là cấm cản ai mà giúp các đơn vị có thể kiểm soát người dân, du khách lên núi Sơn Trà và yêu cầu họ ký cam kết không thực hiện các hành động làm hại môi trường, động thực vật.
Trong đó, các đơn vị yêu cầu người dân không cho khỉ ăn, nói rõ tác hại. Đó là cách thông tin tuyên truyền giúp người dân nhớ kỹ hơn và có trách nhiệm hơn. Với du khách lần đầu đến Sơn Trà không biết, có thể mang đồ ăn theo, vô tình cho khỉ ăn. Nay khi ký cam kết, họ sẽ biết đây là hành động cấm. Đặc biệt, các doanh nghiệp du lịch cũng cần nhắc nhở khách tròn đoàn, nhóm chấp hành các quy định khi đến khu bảo tồn thiên nhiên.
Là tình nguyện viên nhiều năm qua tại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, chị Thanh Trúc cũng cho biết, bên cạnh nhiều người dân có ý thức rất tốt khi được nhắc nhở sẽ dừng không cho khỉ ăn, còn nhiều người dân, du khách vẫn cố tình tìm cách mang đồ ăn lên cho khỉ.
“Tôi cũng từng kiến nghị rằng địa phương, các đơn vị có liên quan cần xin một cơ chế đặc thù riêng cho Sơn Trà. Công việc tuyên truyền, nhắc nhở vẫn tiếp tục nhưng đồng thời cần có mức xử phạt hành chính cho những hành vi cố tình không chấp hành như được nhắc nhở vẫn cho khỉ ăn. Vì có những người đã biết rõ rồi nhưng vẫn cho khỉ ăn, các khung giờ trực của ban quản lý hay tình nguyện viên không còn tác dụng vì khỉ vẫn có nguồn thức ăn, được lén cho ăn”, chị Trúc nói.