Doanh thu du lịch Đà Nẵng năm 2023 vượt xa mức trước đại dịch

THÙY TRANG |

Năm 2023, các cơ sở lưu trú tại TP Đà Nẵng dự kiến phục vụ hơn 7,39 triệu lượt khách, tăng gấp 2 lần so với năm 2022. Doanh thu lưu trú, ăn uống và lữ hành dự kiến đạt gần 28.000 tỉ đồng, tăng 44% so với 2022.

Tại hội nghị tổng kết du lịch năm 2023 chiều 20.12, Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, năm qua, khách do cơ sở lưu trú phục vụ dự kiến tăng gấp 2 lần so với năm 2022, bằng 92% so với 2019. Trong đó, khách quốc tế dự kiến đạt hơn 1,98 triệu lượt, tăng hơn gấp 4,2 lần so với năm 2022, bằng 61% so với 2019; khách nội địa dự kiến đạt hơn 5,41 triệu lượt, tăng 66% so với năm 2022, bằng 113% so với 2019.

Doanh thu lưu trú, ăn uống và lữ hành dự kiến đạt gần 28.000 tỉ đồng, tăng 44% so với năm 2022, bằng 130% so với 2019. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, lữ hành dự kiến đạt gần 15.000 tỉ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2022, bằng 171% so với 2019.

s
Đà Nẵng tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội thu hút du khách giúp tăng doanh thu cho ngành. Ảnh: Thùy Trang

Khách đường biển trong năm 2023, thành phố đón 22 chuyến tàu biển với hơn 18.000 lượt khách. Khách đường thủy nội địa ước đạt hơn 897.000 lượt khách, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2022.

Về khách đường bay, với 40.000 chuyến bay đến Đà Nẵng, tăng 1,35 lần so với năm 2022 và phục hồi 82,3% so với năm 2019, Đà Nẵng đón hơn 6,3 triệu lượt, tăng 1,42 lần so với năm 2022.

Dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch Đà Nẵng vẫn đang gặp một số khó khăn, hạn chế cần được khắc phục với sự hỗ trợ của các ban ngành trong thời gian tới.

Về phát triển sản phẩm du lịch, mặc dù thành phố đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ vướng mắc cho các dự án trọng điểm, tạo động lực hỗ trợ phát triển du lịch. Tuy nhiên, đến nay các dự án du lịch động lực vẫn chưa được khởi công, dẫn đến chậm hình thành các sản phẩm du lịch mới.

Sản phẩm du lịch vui chơi giải trí dưới nước bước đầu phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nguồn vốn, tiền thuê đất... ảnh hưởng đến việc đầu tư nâng cấp sản phẩm dịch vụ hiện có, cũng như đầu tư sản phẩm dịch vụ du lịch mới.

Về phát triển hạ tầng hỗ trợ phát triển du lịch, hiện Đà Nẵng chưa có cảng biển du lịch chuyên dụng, các điểm dừng chân phục vụ các tuyến du lịch đường thủy nội địa chưa được triển khai do đang thực hiện kết luận Thanh tra Chính phủ (các dự án tại Sơn Trà), chậm triển khai các dự án tạo điểm đến du lịch tại các địa phương.

Một số đoạn, tuyến đường đến các khu, điểm du lịch chưa được mở rộng và nâng cấp. Một số tiện ích như hệ thống nhà vệ sinh công cộng, hạ tầng một số khu nhà tắm nước ngọt tuyến biển Nguyễn Tất Thành đã xuống cấp...

Bên cạnh đó, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhiều nhân lực du lịch có tay nghề, kinh nghiệm đã chuyển nghề hoặc chuyển đến địa phương khác, không có nhu cầu quay trở lại ngành. Các doanh nghiệp khó khăn trong việc tuyển dụng các vị trí lãnh đạo, quản lý, trưởng bộ phận, nhân viên có trình độ.

Nguồn lực kinh phí xúc tiến, tổ chức sự kiện lễ hội đặc sắc, quy mô lớn của thành phố còn hạn chế, chưa có cơ chế chính sách đặc thù khuyến khích phát triển du lịch, bao gồm sản phẩm du lịch ban đêm.

THÙY TRANG
TIN LIÊN QUAN

Đà Nẵng định hướng trở thành điểm đến du lịch cưới hút khách quốc tế

THÙY TRANG |

Định hướng du lịch cưới là một trong những phân khúc thị trường quan trọng, Đà Nẵng kết nối cộng đồng doanh nghiệp cùng phát triển thành phố trở thành điểm đến du lịch cưới hấp dẫn.

Đà Nẵng chủ động tăng đường bay, mở cơ hội đa dạng khách quốc tế

THÙY TRANG |

Bên cạnh những thị trường khách quốc tế truyền thống như Hàn Quốc, Thái Lan…, TP Đà Nẵng vẫn cần khai thác nhiều thị trường khác để đa dạng nguồn khách.

Khách Hàn Quốc chiếm gần 50% khách quốc tế du lịch Đà Nẵng

THÙY TRANG |

Khách Hàn Quốc chiếm gần 50% lượng khách đến TP Đà Nẵng trong năm 2023. Điều này cho thấy sự phục hồi của thị trường truyền thống tại thành phố miền Trung.