Khách châu Âu chưa trở lại, Đà Nẵng tìm hướng mở rộng thị trường quốc tế

THÙY TRANG |

Khách châu Âu chưa trở lại là một trong những nguyên nhân lớn khiến thị trường quốc tế của Đà Nẵng năm 2023 mới phục hồi 61% so với 2019 - trước đại dịch.

Năm 2023, khách do cơ sở lưu trú tại TP Đà Nẵng phục vụ tăng gấp 2 lần so với năm 2022, bằng 92% so với 2019. Trong đó khách quốc tế đạt hơn 1,98 triệu lượt, tăng 4,2 lần so với năm 2022 nhưng cũng chỉ bằng 61% so với 2019. Khách nội địa tăng 66% so với năm 2022, bằng 113% so với 2019.

Ngành du lịch vẫn là điểm sáng của Đà Nẵng, tuy nhiên thực tế, ngành công nghiệp không khói của thành phố biển miền Trung vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là với khách quốc tế, khách châu Âu.

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng - cho biết, khách du lịch quốc tế, trong đó có khách châu Âu chưa trở lại Đà Nẵng mạnh như trước dịch là vấn đề không mới, diễn ra từ sau dịch bệnh. Đây cũng là tình hình chung của các điểm đến trên cả nước.

"Nguyên nhân lớn nhất là do khủng hoảng chung của toàn cầu, vừa là chiến tranh, vừa là kinh tế suy thoái sau đại dịch. Sức mua giảm rất mạnh cho thấy người dân cắt giảm chi tiêu, trong đó có những chuyến du lịch đi xa, dài ngày" - ông Dũng cho hay.

s
Khách quốc tế chưa trở lại Đà Nẵng chưa đông do kinh tế khó khăn và đường bay chưa được kết nối. Ảnh: Thùy Trang

Sở Du lịch TP Đà Nẵng cũng nhìn nhận, tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến du khách cắt giảm chi tiêu, ngày lưu trú và chọn điểm đến gần, gây khó khăn cho việc khôi phục mở đường bay quốc tế, khai thác các thị trường quốc tế.

Về thị trường và xu hướng, thị hiếu du khách của một số thị trường trọng điểm, tiềm năng thì thị trường Trung Quốc (năm 2019 chiếm tỉ lệ 20%) chưa có dấu hiệu phục hồi. Thị trường tiềm năng Ấn Độ đang gặp khó khăn trong việc mở đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng còn thị trường Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đang có dấu hiệu bão hòa.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp du lịch hiện cũng gặp khó khăn về nguồn vốn nên chậm đầu tư hình thành sản phẩm du lịch mới. Các doanh nghiệp du lịch quy mô nhỏ và siêu nhỏ chưa đủ sức cạnh tranh và năng lực để có thể bắt kịp xu hướng thị trường và công nghệ số. Các dự án trọng điểm động lực tạo sản phẩm du lịch của thành phố tiếp tục gặp vướng mắc, cản trở nên sẽ khó có sản phẩm mới trong năm 2024.

Trước thực tế đó, bà Nguyễn Thị Hoài An – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết - với thị trường khách quốc tế, năm 2024, ngành du lịch sẽ làm việc với các hãng hàng không, tập đoàn lớn tập trung nguồn lực để xúc tiến khôi phục lại các đường bay quốc tế thường kỳ, các chuyến bay thuê chuyến từ Trung Quốc, đường bay Đà Nẵng - Doha (Qatar) để kết nối lại thị trường Bắc Mỹ, châu Âu; đường bay Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản (Nagoya, Osaka), Philippines… đến Đà Nẵng; xúc tiến đường bay Australia, Kazaktan, Uzerbekistan....

Đặc biệt, du lịch đám cưới sẽ là sản phẩm được chọn để xúc tiến thị trường khách Ấn Độ. Một trong những thị trường tiềm năng đã được thành phố dành nhiều nguồn lực quảng bá, kết nối trong những năm qua.

THÙY TRANG
TIN LIÊN QUAN

Khách du lịch đến Đà Nẵng dịp Tết Dương lịch 2024 tăng gần 35%

THÙY TRANG |

Tổng lượng khách du lịch Đà Nẵng trong dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch 2024 (23.12.2023 – 1.1.2024) ước tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Đà Nẵng loay hoay xử lý kinh doanh du lịch tự phát ở huyện Hòa Vang

Nguyễn Linh |

Kinh doanh du lịch tự phát tập trung xảy ra ở các xã Hoà Ninh, Hoà Bắc và Hoà Phú của huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Đây là hiện tượng nổi lên hơn hai năm trở lại.

Thông tin mới nhất về Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2024

THÙY TRANG |

Năm 2024, lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng sẽ được diễn ra trong tháng 6 và 7 với 8 đội thi.