Ngành du lịch Lạng Sơn đạt kết quả đáng ghi nhận hậu COVID-19 khi đẩy mạnh khai thác các sản phẩm du lịch biên giới, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái...
Tính chung trong Quý 1/2023, Lạng Sơn đón hơn 1 triệu lượt khách, tăng 78,6% so với cùng kỳ 2022, đạt 35,9% kế hoạch năm.
Dù vậy, ngành du lịch của địa phương chủ yếu phát triển thông qua khai thác thô tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch còn hạn chế. Một số hạn chế phải kể đến như doanh thu từ du lịch còn thấp; chưa thu hút thị trường khách du lịch cao cấp; hệ thống hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, cơ sở vật chất còn thiếu; tính liên kết trong phát triển du lịch còn thấp, nhất trong xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, hoạt động xúc tiến, quảng bá…
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng vấn đề đầu tiên là sản phẩm: "Chúng ta cần làm mới lại sản phẩm đã có, tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu của các thị trường khách, kể cả thị trường nội địa và quốc tế sau đại dịch".
Tiếp đến là công tác xúc tiến quảng bá, đòi hỏi sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự quan tâm đầu tư của hệ thống chính trị các cấp, sự chủ động của các doanh nghiệp trên địa bàn. Cuối cùng là chất lượng dịch vụ, vấn đề con người, lực lượng lao động, nguồn nhân lực.
"Với Lạng Sơn, địa phương cần quan tâm hơn vấn đề liên kết với các địa phương, liên kết giữa các doanh nghiệp trên hệ thống dịch vụ của mình với các doanh nghiệp đưa khách đến", ông Vũ Quý Phương phát biểu.
Bà Tạ Thị Tú Uyên, Giám đốc Ban Sản phẩm - Dịch vụ của Vietravel, cho biết với thị trường du lịch nội địa, công ty đang đẩy mạnh khai thác tuyến nối từ Hà Nội - Lạng Sơn đến các tỉnh Việt Bắc, hình thành các sản phẩm du lịch chuyên đề trong mối tương quan về tài nguyên du lịch, như sản phẩm Hành trình kết nối di sản UNESCO Công viên địa chất toàn cầu Hà Giang - Cao Bằng - Lạng Sơn, sản phẩm du lịch văn hóa vùng Việt Bắc...
Công ty cam kết tiếp tục thực hiện các chương trình nghiên cứu, khảo sát, đề xuất xây dựng các sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh; tăng cường công tác truyền thông giới thiệu các điểm đến của địa phương, và phối hợp với các đơn vị kinh doanh khách sạn tại địa phương để xây dựng và khai thác sản phẩm; hỗ trợ đào tạo nhân lực địa phương.
Trước đó, Lạng Sơn làm việc với Tiến sĩ địa chất Guy Martini, Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO về các tuyến tham quan tại Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn. Để đạt tiêu chí của UNESCO, địa phương cần xây dựng 3 đến 4 tuyến tham quan toàn cảnh công viên địa chất, với 41 điểm đến cho du khách và điều chỉnh phạm vi công viên theo hướng mở rộng sang địa bàn thành phố Lạng Sơn.