Điểm du lịch cộng đồng xóm Tân Sơn, xã La Bằng (Đại Từ) do Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Kẹm La Bằng tổ chức quản lý. Tham gia cung cấp dịch vụ tại điểm du lịch cộng đồng xóm Tân Sơn là các hộ gia đình, cá nhân trong xóm.
Các sản phẩm du lịch trong xóm được hình thành trên cơ sở khai thác thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, đồi chè cùng hệ thống suối, thác nước dọc sườn Đông dãy Tam Đảo. Cùng với đó là các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc tại địa phương…
Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng ngày càng được nâng cao, Thái Nguyên định hướng trở thành trung tâm du lịch của vùng Việt Bắc giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh có sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa trà, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao.
Một trong những giải pháp là tập trung xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với văn hóa trà; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ du lịch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch; phát triển các loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, về nguồn dựa trên các khu di tích, điểm di tích, di sản sẵn có…
Theo kế hoạch, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành hỗ trợ 5 địa điểm được lựa chọn xây dựng mô hình điểm về phát triển du lịch cộng đồng.
Đến nay tổng số điểm du lịch cộng đồng được công nhận tại Thái Nguyên nâng lên 6 điểm. Đó là: Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên); Làng văn hóa dân tộc bản Quyên (xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa); xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai); xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên); hồ Ghềnh Chè (TP. Sông Công) và xóm Tân Sơn, xã La Bằng (Đại Từ).