Đây là sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế - VITM Hanoi 2024.
Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhận định, Hà Nội Kiên Giang cùng các tỉnh ĐBSCL là các điểm đến có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, du lịch tự nhiên đa dạng và phong phú.
Thời gian qua, Hà Nội đã tích cực, chủ động hợp tác với các địa phương ĐBSCL, ký kết các chương trình hợp tác phát triển du lịch, cùng tạo điều kiện, kết nối và chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn triển khai các chương trình, sản phẩm du lịch mới, phù hợp với từng địa phương.
Sở Du lịch Hà Nội luôn chủ động trao đổi thông tin cần thiết và kịp thời trong công tác quản lý Nhà nước và hợp tác liên kết với Hiệp hội du lịch ĐBSCL, đã tổ chức đoàn khảo sát gồm các doanh nghiệp lữ hành Thủ đô tới Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau cùng các tỉnh thuộc ĐBSCL. Các doanh nghiệp lữ hành du lịch Thủ đô tổ chức tour du lịch khám phá khu vực ĐBSCL và đạt thành công nhất định.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Lưu Trung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết trong năm 2023, ĐBSCL đã thực hiện tốt việc đẩy mạnh liên kết - hợp tác, tăng cường xúc tiến - quảng bá du lịch, đầy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, làm mới sản phẩm du lịch...
Tổng số khách du lịch đến ĐBSCL trong năm 2023 đạt 44,9 triệu lượt khách, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó khách quốc tế là 1,8 triệu lượt khách, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu đạt hơn 45.000 tỉ đồng, tăng 42,59% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo ông Nguyễn Lưu Trung, năm 2024, Kiên Giang với vai trò là Cụm Trưởng Cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây ĐBSCL đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành xây dựng nội dung hợp tác theo hướng thiết thực, sát với điều kiện của từng địa phương...
Đánh giá cao hoạt động xúc tiến của các địa phương, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia, đề nghị các địa phương tiếp tục xây dựng chiến dịch quảng bá điểm đến đậm nét, rộng rãi, cụ thể trên các nền tảng số trong thời gian tới.
Thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội và các tỉnh, thành phố ĐBSCL, các tỉnh phía Bắc lân cận Hà Nội: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc sẽ ký kết biên bản thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch và đề xuất một số nội dung triển khai kế hoạch hợp tác về du lịch.
Theo đó, kế hoạch triển khai có 7 nội dung, bao gồm: Tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp du lịch giữa các địa phương và cơ quan quản lý nhà nước, xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên đặc thù kết nối chuỗi giữa Hà Nội và các tỉnh, thành ĐBSCL; kêu gọi, tạo điều kiện thu hút đầu tư, doanh nghiệp du lịch; tăng cường truyền thông, quảng bá du lịch, giới thiệu sản phẩm du lịch mới; xuất bản các ấn phẩm chung về du lịch giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố ĐBSCL, các tỉnh phía Bắc lân cận Hà Nội; tổ chức tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về các điểm đến tiêu biểu của Hà Nội và các tỉnh, thành phố ĐBSCL, các tỉnh phía Bắc lân cận Hà Nội...
ĐBSCL là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong 7 vùng trọng điểm về du lịch trong cả nước, có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, đặc sắc với nhiều cảnh quan, danh thắng nổi tiếng, có đặc trung văn hóa tiêu biểu gắn với sông nước.
Đây cũng là nơi hội tựu của bốn dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer có bề dày văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, nhiều lễ hội lớn nhỏ trong năm và đa dạng về kiến trúc tôn giáo lâu đời gắn với lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ.
Vùng ĐBSCL có lợi thế về du lịch biển đào, sông nước, phát triển du lịch sinh thái, du lịch địa hình đồi núi; du lịch về văn hóa - lịch sử, du lịch tâm lĩnh. Và đặc biệt là sự chân chất, thật thà, mến khách của người dân Nam Bộ đã thu hút đông đảo du khách từ các vùng miền về với ĐBSCL.