Chia sẻ với host chương trình là đạo diễn Lê Hoàng, nghệ sĩ Mỹ Lý khẳng định, viết thư pháp không hề vất vả, chỉ cần một chiếc bàn, những dụng cụ được đặt sẵn tại đó khi có thể luyện viết bất cứ khi nào.
Tuy nhiên, bộ môn thư pháp đòi hỏi sự kiên trì và đam mê. Do đó, bà đồ Mỹ Lý khuyến khích người trẻ đam mê thư pháp dành thời gian tập trung, cải thiện kỹ năng của mình. Bởi vì thư pháp không chỉ là kỹ năng mà còn là sự kết hợp của cảm xúc, tâm hồn.
Nghệ sĩ thư pháp Mỹ Lý hài hước kể lại: “Mấy bạn trẻ hỏi tôi làm sao để viết đẹp. Tôi nói đừng yêu thì mới viết đẹp, vì cứ yêu rồi đi chơi thì làm sao viết đẹp. Thư pháp là viết chữ phát sinh từ trong bản thân”.
Trước thắc mắc của đạo diễn Lê Hoàng về số lần luyện tập cho một mẫu chữ thư pháp, nghệ sĩ Mỹ Lý cho rằng, người viết cần phải yêu thích chữ đó.
Nếu như những người trẻ thường viết chữ “Tâm”, “Nhẫn”, “Phúc”, “Đức” thì bà thường viết chữ “Trời”, “Trăng”, “Mây”, “Gió”, “Sen”, “Thiền”…
Chính sự khác biệt này, bà đồ Mỹ Lý tiết lộ, những chữ thư pháp này của bà không bán được gần 10 năm. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều người không còn ưa chuộng chữ “Tâm”, “Nhẫn”... mà thay vào đó chơi chữ “Trời”, “Trăng” hay “Thiền”, “Trà” với đường nét hình tròn.
Theo nghệ sĩ Mỹ Lý, bộ môn thư pháp cũng cần sự sáng tạo vì nếu không đổi mới làm khác đi thì chỉ có vài chữ lặp đi lặp lại.
Khách mời chương trình cho biết: “Tôi viết 100 chữ mới lựa được 1 chữ rồi giảm dần đến khi viết 10 chữ, lựa được 3 chữ, sau đó viết 10 chữ, lựa được 7 chữ, thì phải có các cấp độ như vậy. Vì bản thân viết xong, nhìn sẽ biết đẹp xấu, người ngoài nhìn không thể biết mà chỉ khen đẹp. Bản thân mình phải là người thấy chữ đẹp hoặc xấu trước tiên”.
Tuy nhiên, cũng có lúc người nghệ sĩ thư pháp cần sự phản hồi từ người khác để có cái nhìn mới mẻ, khách quan về tác phẩm của mình. Chẳng hạn đôi khi nghe cảm nhận của người ngoài, bà đồ Mỹ Lý lại thấy tranh chữ của mình độc đáo, bèn xin lấy lại.
Bà giải thích vì người viết thư pháp đôi khi cảm nhận quá nhiều dẫn đến cảm xúc bị chai sạn. Đồng thời, một bức thư pháp quá hoàn mỹ chưa chắc là một bức tranh đẹp. Bà lấy ví dụ chữ “Trăng” bị lệch một chút có khi lại hay hơn chữ “Trăng” tròn. Ngoài ra, trong thư pháp cũng có nhiều trường hợp ngoại lệ khác.
Bà đồ Mỹ Lý khẳng định để viết thư pháp đẹp thì phải viết chữ to, hay còn gọi là đại tự. Chẳng hạn, đối với thư pháp chữ “Tâm” ngoài phần chính văn thì còn có lạc khoản, tức những bài thơ nhỏ về chữ “Tâm”. Tuy nhiên, để viết thư pháp trên khổ giấy lớn lại là một thử thách khác đối với người nghệ sĩ. Vì giấy càng lớn, người viết thư pháp càng khó vì cần nhiều lực. Theo nghệ sĩ Mỹ Lý, thư pháp thật chất không chỉ có một màu đen mà ẩn chứa nhiều tầng lớp, sắc độ mực từ đậm nhạt đến độ xước của mực, tạo nên chiều sâu cho bức tranh.