Bệnh lí cột sống xuất hiện ở người trẻ
Theo ThS.BS Nguyễn Nhựt Linh - Trưởng Đơn vị Phẫu thuật bệnh lý cột sống và thần kinh ngoại biên, Khoa Ngoại Thần kinh (Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh), bệnh lý cột sống bao gồm bệnh lý chấn thương cột sống, thoái hóa cột sống, các bệnh liên quan đến u tân sinh, các tác nhân gây viêm cột sống – tủy sống.
Trong đó, thường gặp nhất là nhóm bệnh lí liên quan đến thoái hóa cột sống như thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, trượt thoái hóa đốt sống chèn ép dây thần kinh,… Một số nghiên cứu cho thấy, trong số người bệnh đến khám với các vấn đề về cột sống thì tỉ lệ bệnh lý cột sống chiếm khoảng 30% và thường gặp nhất ở người trong độ tuổi từ 30 đến 60 tuổi.
Bệnh còn có thể xuất hiện ở những người trẻ do lối sống ít vận động, tư thế học tập, sinh hoạt chưa đúng làm ảnh hưởng đến cột sống. Bên cạnh đó, nhiều người trẻ còn gặp các chấn thương cột sống do sai tư thế, sai kỹ thuật, thiếu các bước khởi động dẫn đến chấn thương trong quá trình tập thể dục, chơi thể thao, tập gym,…
Đa phần người bệnh đến khám khi có triệu chứng khởi phát không quá nặng như đau lưng, tê tay chân,… Ngược lại, một số người bệnh đến khám với triệu chứng rất nặng nề của bệnh lý cột sống và thần kinh làm cho người bệnh không thể đi lại được như thoát vị đĩa đệm nặng chèn ép thần kinh, lâu ngày dẫn đến tổn thương tủy hoặc rễ thần kinh, yếu cả tay chân, liệt một tay hoặc chân hoặc cả tay chân
Nguy hiểm hơn, một số bệnh lý chèn ép tủy hoặc thần kinh cấp tính chỉ có khoảng thời gian vàng điều trị trong vòng 24-48 giờ để giải quyết tổn thương thần kinh bị chèn ép. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh thường không có cơ hội hồi phục và dẫn đến tàn phế.
Hạn chế biến chứng nếu được điều trị đúng và kịp thời
TS.BS Nguyễn Minh Anh - Trưởng khoa Ngoại Thần kinh (Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay tại Việt Nam, có nhiều cơ sở y tế điều trị chuyên sâu về các bệnh lý cột sống. Tuy nhiên, người bệnh đến khám các vấn đề về cột sống thường rải rác ở các phòng khám xương khớp, thần kinh, chấn thương chỉnh hình hoặc tổng quát. Điều này làm hạn chế việc người bệnh được thăm khám trực tiếp với các bác sĩ chuyên sâu về bệnh lý cột sống.
Đa phần những bệnh lý về cột sống, nhất là nhóm bệnh lý về chấn thương hoặc thoái hóa có thể hạn chế biến chứng nếu được điều trị đúng và kịp thời. Tuy nhiên, đối với người bệnh đã xảy ra những di chứng khiếm khuyết nặng về chức năng thần kinh gây yếu liệt, mất chức năng vận động,… người bệnh sẽ phải chịu đựng di chứng và đau đớn lâu dài.
Do đó, ngoài điều trị về chuyên khoa thần kinh, người bệnh còn cần được điều trị đau, điều trị tâm sinh lý để tránh trầm cảm, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong điều trị các bệnh lí cột sống, các phương pháp xâm lấn tối thiểu như phẫu thuật nội soi cột sống, phẫu thuật bắt vít qua da cột sống cố định cột sống, phẫu thuật đặt điện cực kích thích tủy sống điều trị đau, điều trị chứng tổn thương thần kinh… đã được triển khai thường quy, mang lại hiệu quả điều trị tối ưu cho người bệnh.
Bên cạnh đó, việc phối hợp đa chuyên khoa cũng giúp người bệnh điều trị đau hiệu quả, tránh những can thiệp không cần thiết cho người bệnh trước và sau mổ,… nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất cho người bệnh, hạn chế những biến chứng không cần thiết trong quá trình điều trị cũng như can thiệp, phẫu thuật cột sống.