Theo Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), khi sức đề kháng của cơ thể tốt và được chăm sóc sức khỏe răng miệng toàn diện hàng ngày như chải răng, dùng chỉ tơ nha khoa, súc miệng bằng các loại nước sát khuẩn thì vi khuẩn sẽ được kiểm soát.
Khi không được chăm sóc răng miệng, các vi khuẩn sẽ tăng cường hoạt động dẫn đến các bệnh về răng miệng và một số bệnh khác. Một số nghiên cứu đưa ra có mối liên quan giữa bệnh nhân đái tháo đường, HIV/AIDS, bởi khi sức đề kháng của những bệnh nhân này kém sẽ tạo điều kiện cho bệnh răng miệng phát triển.
Một số bệnh xuất phát từ răng miệng
Bệnh tim mạch, mạch máu, mặc dù mối liên hệ giữa răng miệng và mạch máu chưa thực sự rõ ràng nhưng các nghiên cứu cho thấy vi khuẩn lan truyền từ ổ nhiễm khuẩn vùng răng miệng qua đường máu tới các vùng gây tắc mạch, tới màng tim gây viêm màng tim, gây đột quỵ.
Tình trạng lợi – viêm quanh răng sẽ tiến triển nặng hơn ở người có thai và cho con bú.
Viêm phổi, vi khuẩn từ miệng như các ổ nhiễm trùng từ lợi di chuyển vào phổi gây ra các bệnh viêm phế quản cấp tính; nhiễm trùng và viêm phổi.
Loãng xương, viêm lợi – viêm quanh răng có chung tình trạng mất xương, tiêu xương. Người có tình trạng loãng xương thường bị viêm lợi nhiều hơn.
Một số bệnh toàn thân liên quan đến răng miệng
Đái tháo đường, khi sức đề kháng của cơ thể giảm sút, nguy cơ gây ra bệnh viêm lợi. Tình trạng lợi viêm xuất hiện liên tục và thường xuyên trên bệnh nhân đái tháo đường. Nghiên cứu cho thấy, khi lượng đường trong máu cao, tình trạng viêm lợi nặng hơn lên. Tình trạng viêm quanh răng sẽ được cải thiện khi điều chỉnh đường máu về ổn định.
Bên cạnh đó, đau, nhiễm trùng trong răng miệng cũng là một vấn đề cần quan tâm ở nhóm bệnh nhân HIV/AIDS. Đối với người mắc Bệnh Alzheimer, khi bệnh tiến triển, bệnh nhân không thể nhớ vệ sinh răng miệng thường xuyên nên tình trạng răng miệng sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Ngoài ra, một số yếu tố khác liên quan đến bệnh răng miệng như do chế độ ăn uống, bệnh viêm đa khớp dạng thấp; bệnh ung thư; rối loạn và suy giảm miễn dịch cũng gây ra bệnh khô miệng.
Cách chăm sóc răng miệng tốt
Các y bác sĩ nha khoa khuyến cáo, để chăm sóc răng miệng tốt, cần thực hiện một số biện pháp sau: Chải răng ít nhất 2 lần/ngày bằng bàn chải mềm và kem đánh răng có chứa fluoride. Nên dùng chỉ tơ nha khoa hàng ngày; Sử dụng nước súc miệng để lấy các mảng thức ăn còn sót lại sau đánh răng và dùng chỉ tơ nha khoa.
Thay bàn chải 3 tháng/1 lần. Ăn các loại thức ăn dinh dưỡng hợp lí, ít đường. Không hút thuốc lá. Đặt lịch khám nha sĩ và lấy cao răng định kỳ.
Bên cạnh đó, cần khám sức khỏe tổng quát để phát hiện sớm các bệnh toàn thân, điều trị kịp thời và đúng phác đồ. Liên hệ với nha sĩ càng sớm càng tốt khi có vấn đề về răng miệng. Như vậy chăm sóc tốt sức khỏe răng miệng cũng chính là chăm sóc tốt sức khỏe toàn thân.