Trước đó, người này có tới cơ sở y tế khác để điều trị với kháng sinh nhưng tình trạng không thuyên giảm. Điều này khiến khối áp-xe trên đùi bệnh nhân ngày càng lớn. TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin, qua thăm khám, các bác sĩ không ghi nhận tổn thương trên bề mặt da hay dấu hiệu bất thường về hô hấp, tiêu hóa. Tuy nhiên, qua chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện khối áp-xe tại đùi trái và màng phổi phải của bệnh nhân. Các tổn thương này do giun lươn đi lạc chỗ và làm tổ. Sau khi được điều trị nội khoa, thuốc kháng ký sinh trùng, sức khỏe của bệnh nhân hồi phục. Bác sĩ Hùng nhận định đây là ca bệnh hiếm gặp. “Thông thường, giun lươn trưởng thành ký sinh trong niêm mạc ruột non và đẻ trứng. Khi bị ruột non đào thải ra môi trường bên ngoài, ấu trùng giun lươn phát triển và tiếp tục xâm nhập vào cơ thể. Ngoài ra, chúng có thể làm tổ, ký sinh trong thực quản, phổi và một số cơ quan khác”- bác sĩ Hùng nói.
Nhiễm giun lươn thường bị bỏ qua vì bệnh diễn biến chậm, triệu chứng đa dạng dễ nhầm lẫn. Bệnh này gây tổn thương ở nhiều cơ quan, thậm chí bệnh nhân sẽ tử vong nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời. Các bác sĩ khuyến cáo khi thấy xuất hiện thường xuyên các triệu chứng như mệt mỏi, ăn kém, ăn vào hay nôn, đi ngoài phân lỏng, người dân nên đến các cơ sở y tế thăm khám và nghĩ đến khả năng bị nhiễm ký sinh trùng giun lươn.