Ông H.T.L (55 tuổi, ngụ Quận 1, TPHCM) vừa nhập Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh trong tình trạng hơn 2 năm không thể đi lại bình thường.
Theo bệnh nhân, cứ mỗi lần đi bộ, hai chân lại đau cách hồi và càng ngày triệu chứng càng tăng nặng. Lúc đầu ông có thể đi bộ 100 mét nhưng sau đó chỉ có thể đi được 50 mét, rồi giảm xuống còn 20 mét vì quá đau nhức.
Ngay lập tức, bệnh nhân được các bác sĩ làm các xét nghiệm chẩn đoán và có nhận định nguyên nhân không xuất phát từ hệ thống cơ xương khớp. Kết quả siêu âm mạch máu ghi nhận có tình trạng tắc mạch ở hai chi dưới và tắc động mạch chủ bụng.
TS.BS Nguyễn Anh Dũng – Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TPHCM cho biết, bệnh nhân có bệnh lý nền mỡ máu cao, axit uric cao và hút thuốc lá nhiều năm.
Kết quả chụp CT cho thấy, bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch chủ bụng ngay sau chỗ chia động mạch mạc treo tràng dưới làm cho máu tưới xuống hai chân giảm rất nhiều. Hai chân hiện chỉ được nuôi bằng hai mạch máu bàng hệ nhỏ và may mắn chưa bị hoại tử.
Theo bác sĩ Dũng, đây là tình huống rất nguy hiểm, bệnh nhân cần phải được điều trị bán cấp cứu. Nếu tắc nghẽn mạch kéo dài thêm một thời gian nữa sẽ gây ra tình trạng thiếu máu nuôi hai chân và suy giảm chức năng của tất cả các tạng trong bụng. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến hoại tử chi dưới và nguy cơ tắc các mạch máu nuôi dưỡng tạng. Đặc biệt, nếu tiến triển tắc nghẽn nặng hơn, các cơn đau nhức có thể gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ não.
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật bắc cầu động mạch chủ – động mạch đùi hai bên bằng ống ghép mạch máu nhân tạo, cứu bệnh nhân khỏi nguy cơ hoại tử chân. Ca phẫu thuật được thực hiện trong 5 giờ đồng hồ.
Tình trạng xơ vữa động mạch diễn tiến trong thời gian dài làm cho thành mạch máu dày lên và suy yếu nên không thể thông lòng mạch tắc nghẽn. Người bệnh bắt buộc phải thay đoạn động mạch đó bằng ống ghép mạch máu nhân tạo.
Theo các chuyên gia, tắc động mạch chủ bụng là bệnh không thường gặp trong các bệnh lý về tim mạch, xảy ra từ độ tuổi 50 ở nam giới và 55 ở nữ giới. Các triệu chứng do thiếu máu cục bộ hoặc nhồi máu gây ra có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí và loại mạch nuôi dưỡng.
Chính vì vậy, chế độ dinh dưỡng vô cùng quan trọng. Đối với người huyết áp cao không ăn mặn, chỉ ăn lượng muối được khuyến nghị dưới 5gr/ngày. Hạn chế đường, đặc biệt các loại đường tinh chế.
Cần vận động ít nhất 30 phút/ngày, thực hành lối sống lành mạnh, không uống rượu bia, hút thuốc lá, hạn chế dùng cà phê và các đồ uống có chứa cafein, nước ngọt đóng chai.
Thăm khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm (6 tháng/lần) đối với người có yếu tố nguy cơ tim mạch, bao gồm người từ 50 tuổi trở lên, người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh thận mạn…