Việt Nam thiếu những trung tâm mua sắm, hội chợ đêm để hút khách Ấn Độ

Nguyên Anh |

Ấn Độ là một trong 10 thị trường lớn nhất của Việt Nam, 8 tháng đầu năm với 247.000 lượt khách, dù vậy chuyên gia đánh giá con số này còn khiêm tốn.

Làm thế nào để phục vụ “đúng và trúng” nhu cầu của thị trường tỉ dân này, ngành du lịch Việt Nam cần có chiến lược bài bản, triển khai kịp thời.

Việt Nam hấp dẫn khách Ấn Độ

Mối quan tâm của du khách Ấn Độ với Việt Nam bắt đầu lớn hơn từ sau đại dịch. Theo thông tin từ Agoda, chuyên gia dự đoán lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam "tăng ít nhất 1.000% so với trước dịch". Dữ liệu chỉ ra rằng lượt tìm kiếm tới Việt Nam của khách Ấn Độ tăng thêm 390% so với năm 2019.

Aniket Mohan - người Ấn Độ sống tại Malaysia - vừa có kỳ nghỉ ngắn tại Việt Nam đúng dịp Quốc khánh 2.9 vừa qua. Anh hẹn một nhóm bạn từ Singapore cùng bay sang Hà Nội. Chỉ tranh thủ thăm thú vài nơi trong hơn hai ngày, Mohan đã ghé Ninh Bình và Hạ Long.

“Đây là lần thứ hai tôi đến đây. Việt Nam là một đất nước rộng lớn, có quá nhiều thứ để ngắm nhìn. Tôi muốn đến Sa Pa nhưng không có đủ thời gian, có lẽ phải lên kế hoạch chi tiết hơn cho lần sau mới được” - Mohan chia sẻ với Lao Động.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch (ITDR), Việt Nam là điểm đến khá mới mẻ đối với khách du lịch Ấn Độ, có nhiều thắng cảnh đẹp, khí hậu đa dạng, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, ẩm thực phong phú, đa dạng.

Bên cạnh đó là chi phí rẻ hơn so với một số quốc gia Đông Nam Á khác, ít nhất 10-15%. Nhiều công ty tổ chức tour du lịch Ấn Độ cho biết, ở Việt Nam dịch vụ rất đa dạng, địa điểm du lịch thì từ biển đến núi hoặc thành phố nhộn nhịp. Du khách Ấn Độ tìm kiếm các trải nghiệm văn hóa, ẩm thực mới và cả nhu cầu mua sắm. Đặc biệt, trong thời gian gần đây nổi lên xu hướng tổ chức đám cưới, tuần trăng mật, tiệc sinh nhật… tại Việt Nam.

Nhưng hấp lực vẫn chưa đủ lớn

Khách du lịch Ấn Độ nằm trong số những người chi tiêu cao nhất thế giới cho mỗi chuyến thăm thực hiện ở nước ngoài. Một du khách Ấn Độ trung bình chi 1.200 USD cho mỗi chuyến thăm so với người Mỹ chi 700 USD và người Anh chỉ chi 500 USD, theo số liệu Đại sứ Quán Ấn Độ công bố vào năm 2022.

Đến năm 2031, ước tính có khoảng 50 triệu người Ấn Độ sẽ đi du lịch nước ngoài. Ấn Độ đứng thứ 10 trong top thị trường gửi khách hàng 8 tháng đầu năm 2023, với 247.000 lượt. Năm 2022, Việt Nam đón khoảng 130.000 lượt khách từ Ấn Độ. Năm 2019, thị trường khách Ấn Độ đã đạt 169.000 lượt, tốc độ tăng trưởng cao thứ 3 trong số các thị trường khách của du lịch Việt Nam (hơn 27%).

Tuy nhiên tỉ lệ khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam so với khách du lịch Ấn Độ đi du lịch nước ngoài rất thấp, dưới 1%. Do đó, thị trường này còn rất nhiều dư địa để phát triển. Việt Nam cần chiến lược để thu hút thị trường khách giàu tiềm năng này, một số giải pháp quan trọng là nâng cao nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng.

“Bên cạnh ưu tiên xử lý visa, quảng cáo, hạ tầng công nghệ thì cần chú trọng đến “hệ thống nền tảng” - nguồn nhân lực chính cho thị trường này” - PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) - bày tỏ.

Theo TS Nguyễn Văn Lưu - nguyên Vụ trưởng Vụ Đào tạo - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch - hiện nay, việc phục vụ khách Ấn Độ rất thiếu nhân lực cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành. Khách du lịch Ấn Độ có nhu cầu ẩm thực hoàn toàn khác khách du lịch các nước khác. Nhưng nhà hàng Ấn Độ mới chủ yếu ở TPHCM và Hà Nội, các điểm đến du lịch khác còn ít hoặc chưa có.

“Khách Ấn Độ thích mua sắm, họ coi mua sắm như nhu cầu chính, mục tiêu chính của chuyến du lịch. Nhưng hiện nay, Việt Nam lại thiếu những trung tâm mua sắm, hội chợ đêm thường đóng cửa từ 22h đến 23h đêm, quá sớm so với nhu cầu mua sắm giải trí của khách du lịch Ấn Độ” - ông Nguyễn Văn Lưu chỉ ra.

Đại diện doanh nghiệp, ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam - chỉ ra một vấn đề được nhấn mạnh là muốn thu hút và phục vụ tốt thị trường này là phải nghiên cứu và hiểu rõ về văn hóa, tôn giáo, ẩm thực của khách.

“Người Ấn Độ giáo không ăn thịt bò, trong khi người theo đạo Hồi lại không sử dụng thịt heo và chỉ dùng thực phẩm được sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn Halal” - ông Tuyên bổ sung.

Nguyên Anh
TIN LIÊN QUAN

Kashmir - thiên đường hạ giới của Ấn Độ thơ mộng qua thước ảnh film

Hương Chi |

Cảnh vật thiên nhiên của núi rừng Kashmir - miền bắc Ấn Độ - vào mùa hè trở nên thơ mộng, có phần hoài cổ qua ống kính máy ảnh film.

Thách thức phải vượt qua để Việt Nam đón đầu làn sóng khách Ấn Độ bùng nổ

Phạm Huyền |

Khách Ấn Độ đến Việt Nam được dự đoán tăng ít nhất 1.000%. Nhưng để sẵn sàng phục vụ thị trường tiềm năng này, ngành du lịch cần xây dựng chiến lược phát triển bài bản.

Khách Ấn Độ có thể thay thế khách Trung Quốc tại Đông Nam Á

Minh Anh (Theo Reuters) |

Thị trường Ấn Độ được dự báo nổi lên như “một Trung Quốc tiếp theo” và đóng góp nhiều vào sự tăng trưởng của ngành du lịch Đông Nam Á.

Khách Ấn Độ giàu có đi nước ngoài ngày càng đông, Việt Nam là tâm điểm

Nhật Hạ (Theo CNBC) |

Thị trường outbound của Ấn Độ đang phát triển bùng nổ, trong đó Việt Nam là điểm đến thịnh hành tại đất nước có hơn một tỉ dân này.

Kashmir - thiên đường hạ giới của Ấn Độ thơ mộng qua thước ảnh film

Hương Chi |

Cảnh vật thiên nhiên của núi rừng Kashmir - miền bắc Ấn Độ - vào mùa hè trở nên thơ mộng, có phần hoài cổ qua ống kính máy ảnh film.

Thách thức phải vượt qua để Việt Nam đón đầu làn sóng khách Ấn Độ bùng nổ

Phạm Huyền |

Khách Ấn Độ đến Việt Nam được dự đoán tăng ít nhất 1.000%. Nhưng để sẵn sàng phục vụ thị trường tiềm năng này, ngành du lịch cần xây dựng chiến lược phát triển bài bản.

Khách Ấn Độ có thể thay thế khách Trung Quốc tại Đông Nam Á

Minh Anh (Theo Reuters) |

Thị trường Ấn Độ được dự báo nổi lên như “một Trung Quốc tiếp theo” và đóng góp nhiều vào sự tăng trưởng của ngành du lịch Đông Nam Á.

Khách Ấn Độ giàu có đi nước ngoài ngày càng đông, Việt Nam là tâm điểm

Nhật Hạ (Theo CNBC) |

Thị trường outbound của Ấn Độ đang phát triển bùng nổ, trong đó Việt Nam là điểm đến thịnh hành tại đất nước có hơn một tỉ dân này.