Tuy vậy, xác định tiềm năng du lịch tại đây là có thật, giúp người dân có việc làm, tạo đầu ra cho nông sản, huyện Vĩnh Cửu đã gặp gỡ hơn 50 doanh nghiệp du lịch trên địa bàn để tìm giải pháp tháo gỡ.
Khai thác du lịch nhưng vướng quy định
Theo báo cáo của UBND huyện Vĩnh Cửu, qua rà soát, có tổng số 52 cơ sở du lịch sinh thái tự phát tại 3 xã Mã Đà, Hiếu Liêm, Phú Lý phát triển mạnh từ sau COVID-19. Các cơ sở này kinh doanh các mô hình du lịch cắm trại, chèo thuyền trên hồ đã thu hút ngày càng đông khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, đặc thù hồ Trị An (có diện tích 32.000 ha) là hồ cung cấp nước cho thuỷ điện Trị An và nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân vùng hạ lưu Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM. Việc các khu du lịch không phép hoạt động rầm rộ dấy lên nhiều lo ngại về nguồn nước bị ô nhiễm, an ninh trật tự cũng như mất an toàn khi tổ chức các hoạt động vui chơi trên lòng hồ.
UBND huyện Vĩnh Cửu cho biết, phát triển du lịch sinh thái phải đảm bảo nhiều quy định khắt khe, như chủ sử dụng đất phải chính chủ theo hợp đồng 01, đảm bảo điều kiện giấy phép kinh doanh, phòng cháy chữa cháy, VSATTP, Môi trường, ANTT và quan trọng phải có ý kiến đồng ý của Khu bảo tồn thiên nhiên văn hoá Đồng Nai về việc sử dụng đất rừng, đất khu bảo tồn…
Theo quy định, những công trình nằm dưới cốt 62 thuộc vùng đất bán ngập và ngập nước là đất công, chỉ trồng cây ngắn ngày, không được phép xây dựng.
Theo ghi nhận của PV, thực tế thời gian qua việc phát triển du lịch tại đây chủ yếu tự phát. Mặc dù tọa lạc ở vùng bán ngập hồ Trị An, các khu du lịch tự phát vẫn xây dựng các nhà tiền chế, lều trại để cho khách du lịch thuê, nghỉ lại qua đêm và tổ chức các trò chơi xung quanh hồ.
Mỗi khu du lịch có hàng chục lều trại được lắp ráp nằm ngay ven lòng hồ. Ngoài ra, nhiều công trình như nhà vệ sinh, nhà bếp… được xây dựng bêtông kiên cố.
Kiến nghị lên tỉnh để tháo gỡ
Ông Phạm Quang Tập, một hộ dân làm du lịch tại xã Hiếu Liêm cho rằng, thực trạng hiện nay nông sản như xoài, mít… trên địa bàn giá rẻ, người dân dựa vào tiềm năng sẵn có về du lịch của địa phương để khai thác dịch vụ du lịch đã giúp nâng cao đời sống.
Do đó, ông Tập mong muốn lãnh đạo huyện, tỉnh quan tâm hơn nữa đến các hoạt động phát triển du lịch ven hồ, đồng hành cùng người dân phát triển du lịch địa phương và tạo công ăn việc làm cho người dân tại đây.
Ông Nguyễn Văn Thuộc - Bí thư huyện Vĩnh Cửu - cho biết vùng ven hồ Trị An có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch. Để ổn định tình hình, ngành chức năng đã thực hiện vận động các hộ dân tháo dỡ những công trình, điểm kinh doanh du lịch trái phép.
Huyện cũng chia sẻ với những khó khăn, trăn trở của người làm du lịch. Qua đối thoại với các hộ dân, huyện đã cùng người dân phân tích những tồn tại, vướng mắc, từ đó khai thác tối đa lợi thế của địa phương một cách bài bản, bền vững, theo ông Thuộc.
Còn ông Nguyễn Quang Phương - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu - cho biết: "Huyện sẽ tập hợp những ý kiến của các cơ sở, từ đó có những hướng giải quyết phù hợp. Tất cả các ý kiến của người dân, huyện ghi nhận và sẽ cùng các sở, ngành kiến nghị lên tỉnh và các bộ, ngành Trung ương để có hướng tháo gỡ".
Đối với những vấn đề giải quyết được ngay tại địa phương, huyện sẽ làm ngay, để người dân có cơ hội kinh doanh du lịch theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, huyện Vĩnh Cửu cũng mong UBND tỉnh Đồng Nai sớm ban hành Đề án phát triển du lịch sinh thái để địa phương thuận lợi hơn trong phát triển du lịch.