Tài liệu này nêu rõ, ngoài đường băng trên Đá Chữ Thập, Trung Quốc đã gần hoàn thành việc xây dựng một đường băng dài 2.644m trên Đá Vành Khăn và một đường băng khác dài 3.250m trên Đá Xu Bi.
Báo cáo chỉ rõ đường băng trên Đá Chữ Thập mất ít nhất 7 tháng để xây dựng, song tại “Đá Vành Khăn, nơi hoạt động san ủi bắt đầu vào tháng 9-10.2015, việc xây dựng đã gần như hoàn tất chỉ 3-4 tháng sau đó.”
Mỹ tin rằng Trung Quốc đã hoặc đang xây dựng các sân bay ở ít nhất 3 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thông qua những dự án bồi lấn, tôn tạo khổng lồ.
Trước đó, Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc trang mạng chính thức của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đăng bản đồ hàng không về FIR Tam Á trong đó có ghi dòng chữ tiếng Trung "thành phố Tam Sa-Trung Quốc" và có biểu tượng sân bay trên bãi Đá Chữ Thập với dòng chữ tiếng Anh “Sân bay Vĩnh Thử-Tam Sa,” ngày 15.1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa cũng như quần đảo Hoàng Sa.
Ông Lê Hải Bình khẳng định: "Việt Nam đã nhiều lần phát biểu phản đối việc Trung Quốc thiết lập cái gọi là 'thành phố Tam Sa,' xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa, sân bay trên các đảo này... Các hành động này của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các quyền hợp pháp khác của Việt Nam ở Biển Đông."
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: "Liên quan đến các bản đồ về FIR Tam Á đăng trên mạng của ICAO, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã có công thư gửi ICAO khẳng định rõ chủ quyền của Việt Nam, lưu ý việc Trung Quốc mở đường bay ra Đá Chữ Thập đã vi phạm các quy định của ICAO về an toàn hàng không. Việt Nam quan ngại sâu sắc trước những sự việc này; đồng thời đề nghị ICAO chỉnh sửa lại bản đồ hàng không về FIR Tam Á cho phù hợp".