Lý do mà VNREA đưa ra đó là mức bảo lãnh lên tới 100% giá bán nhà hay căn hộ, dẫn đến tổng giá trị bảo lãnh của một dự án là rất lớn. Đối với các chủ đầu tư triển khai nhiều dự án với quy mô lớn cùng lúc thì việc cấp bảo lãnh trong hạn mức tín dụng là không thể thực hiện được.
Vì vậy, VNREA kiến nghị Chính phủ chỉ đạo và ban hành cơ chế tháo gỡ vấn đề này cho doanh nghiệp bất động sản. Ví dụ như có thể để doanh nghiệp và khách hàng tự thỏa thuận về nội dung này. Một cách khác là bỏ luôn quy định ngân hàng bảo lãnh, thay bằng quy định khác mà chủ đầu tư có thể thực hiện như ký quỹ đối với dự án nhà ở thương mại... Tuy nhiên, kiến nghị này vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình từ phía người mua nhà lẫn các chuyên gia về pháp lý.
Hiện nay trên thị trường kinh doanh bất động sản tương đối phức tạp. Rất nhiều các chủ đầu tư mặc dù chỉ mới có chủ trương, chưa giải tỏa đền bù xong, dự án chưa đủ điều kiện đã rao bán dự án tràn lan, thu tiền của khách hàng dưới nhiều dạng huy động vốn. Kết quả, có nhiều dự án không triển khai được do vướng pháp lý, hoặc chủ đầu tư chiếm dụng vốn của khách hàng sử dụng vào việc khác cho dù khách hàng đã đóng tiền nhưng vì không có bảo lãnh ngân hàng khiến rất nhiều khách hàng mất tiền. Do đó, dưới góc độ là người mua nhà nhiều người đều cho rằng không thể bỏ quy định về bảo lãnh vì sẽ không bảo vệ được người mua nhà, phát sinh nhiều tranh chấp về sau. Người mua thấy dự án nào được ngân hàng bảo lãnh sẽ an tâm hơn rất nhiều.
Luật sư Trần Minh Cường – Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, một thực tế cho thấy dù có quy định rõ ràng về bảo lãnh nhưng trên thị trường đã có không ít trường hợp mặc dù chưa hoàn thành việc gửi hồ sơ đề nghị phát hành bảo lãnh và chưa được các ngân hàng chấp thuận việc phát hành thư bảo lãnh cho từng khách hàng mua nhà trong dự án, có một vài chủ đầu tư đã vội vàng đưa công văn hồi đáp của việc ngân hàng đồng ý về mặt nguyên tắc việc sẽ cấp bảo lãnh để tạo niềm tin cho khách hàng. Do không đọc và tìm hiểu kỹ, đã có khá nhiều khách hàng bỏ tiền mua căn hộ để rồi sau đó dẫn tới tranh chấp, khiếu kiện khi dự án không hoàn thành đúng tiến độ.
Chính vì vậy, quan điểm Luật sư Trần Minh Cường – Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng nên giữ lại quy định này để hạn chế rủi ro và đảm bảo cho khách hàng trong tình trạng “thượng vàng hạ cám” các chủ đầu tư kinh doanh căn hộ hình thành trong tương lai hiện nay. Khách hàng không phải là một chuyên gia pháp lý để có thể trao đổi kiểm tra tất cả các văn bản pháp lý do chủ đầu tư cung cấp để biết được một dự án có đầy đủ pháp lý hay không trước khi quyết định đầu tư. Ngân hàng trước khi đồng ý cấp bão lãnh sẽ phải thẩm định dự án và Ngân hàng sẽ chỉ phát hành bảo lãnh cho người mua nhà trong dự án của chủ đầu tư khi chủ đầu tư đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Ngân hàng sẽ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (hoàn trả tiền cho người mua nhà) trong trường hợp chủ đầu tư không bàn giao đúng hạn như đã cam kết với người mua.