Sớm công bố thưởng Tết
Tại TP Hồ Chí Minh, theo ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam, mặc dù tình hình sản xuất khó khăn, doanh nghiệp vẫn đảm bảo thưởng Tết cho người lao động. Dự kiến, người lao động sẽ được thưởng hơn một tháng lương trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Còn tại Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú (Tập đoàn PPJ Group - TP Thủ Đức), dù đơn hàng mới phục hồi từ đầu quý IV năm 2023, nhưng Tập đoàn PPJ Group xác định sẽ dành kinh phí thưởng Tết cho nhân viên để cảm ơn công nhân đã gắn bó với doanh nghiệp.
Tại Đồng Nai, Tập đoàn Phong Thái là doanh nghiệp có số lượng công nhân đông nhất tỉnh với khoảng 65.000 lao động. Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Phong Thái thông tin, thời gian qua doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng, nhưng người lao động còn khó khăn hơn do bị ảnh hưởng việc làm.
Do đó, dịp Tết Giáp Thìn 2024, Tập đoàn vẫn thưởng Tết cho người lao động 1 tháng lương như mọi năm. Ngoài ra, còn có các phần quà Tết của công đoàn.
Tại Hà Nội, theo ông Nguyễn Hồng Cầu - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội), hiện công ty chưa có quyết định thưởng Tết chính thức, nhưng dự kiến mỗi người lao động trong công ty này sẽ được thưởng thêm 1 tháng lương thu nhập (khoảng 15 triệu đồng).
Cũng theo ông Cầu, năm 2023 mặc dù nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn khi đang phải phục hồi sau đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng được sự quan tâm của Chính phủ với những ưu đãi về nguồn vốn vay, doanh nghiệp này cơ bản đã phục hồi kinh doanh, sản xuất.
Với Công ty TNHH Đa Phúc và nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn thành phố, khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn nhân lực.
“Lao động không còn mặn mà khi làm việc tại các thành phố lớn, vì chi phí dành cho việc thuê nhà, sinh hoạt, ăn uống… ở thành phố rất tốn kém. Do đó, họ đã trở về quê làm việc” - ông Cầu cho hay.
Cách giữ chân người lao động
Trao đổi với PV Báo Lao Động vào sáng 8.12, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) nhận định, năm 2023 là một năm nhiều biến động về kinh tế, xã hội. Bằng nhiều giải pháp từ Trung ương đến địa phương, 6 tháng cuối năm, số lao động bị cắt giảm ở các doanh nghiệp đã được hạn chế tối đa.
“Nhiều doanh nghiệp đã được phục hồi, có thêm nhiều đơn hàng, đặc biệt với doanh nghiệp xuất khẩu, gia công, dịch vụ… Các doanh nghiệp đều muốn thưởng Tết để động viên, giữ chân người lao động ở lại. Do đó, có thể thưởng Tết 2024 sẽ cao hơn 2023” - ông Trung chia sẻ.
Về thời điểm công bố mức thưởng, ông Trung cho rằng, các doanh nghiệp sẽ sớm thông tin để người lao động an tâm làm việc. Đồng thời, việc này cũng thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp.
Với doanh nghiệp đang gặp khó khăn và chưa có nhiều đơn hàng thì chủ doanh nghiệp cũng rất mong muốn thưởng Tết tối thiểu bằng mức thưởng của năm 2023.
“Tôi tin rằng chủ doanh nghiệp sẽ cố gắng tìm mọi cách để thưởng Tết cho người lao động, có thể bằng tiền, cũng có thể bằng hiện vật, thậm chí bằng chính những sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất” - ông Trung cho hay.
Để việc thưởng bằng hiện vật có ý nghĩa, nguyên Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho hay, doanh nghiệp cần tham khảo ý kiến người lao động thông qua tổ chức Công đoàn cơ sở. Từ đó, khi người lao động nhận phần quà Tết bằng hiện vật của công ty sẽ thiết thực, ý nghĩa hơn.
Bộ LĐTBXH đã yêu cầu các Sở LĐTBXH trên cả nước thực hiện chính sách tiền lương và thưởng Tết cho người lao động. Theo đó, Bộ này giao lãnh đạo các Sở chủ động phối hợp với ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và các đơn vị liên quan, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp gặp khó khăn khi bị cắt đơn hàng, giảm việc làm của người lao động. Từ đó, các đơn vị có giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi, phát triển thị trường lao động.