Muôn vàn nỗi lo
Vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có đề xuất tăng giá bán lẻ điện bình quân hiện nay với mức tăng trên 5% (hiện nay bậc 1 từ 0-50 kWh: 1.678 đồng/số; bậc 2 từ 51-100 kWh: 1.734 đồng/số; bậc 3 từ 101 - 200kWh: 2.014 đồng/số…
Cùng với việc nhiều doanh nghiệp trong dịp cuối năm thiếu đơn hàng nên cắt giảm lao động, giảm giờ làm, không tăng ca…, việc có thể tăng giá điện khiến nhiều người lao động lo lắng bị ảnh hưởng đến thu nhập, tạo áp lực chi tiêu trong những ngày tết sắp cận kề.
Trong khu trọ trên đường Đặng Chiêm (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), chị Trần Thị Lan đang chuẩn bị bữa ăn trưa cho gia đình. Nhà có 2 vợ chồng và 3 đứa con nhỏ nên bữa ăn luôn được chị chuẩn bị cẩn thận.
Mỗi tháng, mức lương công nhân của chị dao động từ 4.200.000 đồng - 7.000.000 đồng tùy vào thời gian tăng ca, cộng với thu nhập từ công việc chạy xe ôm công nghệ của chồng chị, tạm đủ cho mức chi tiêu sinh hoạt hằng tháng.
Gia đình đông người, nên những thiết bị điện có giá trị trong phòng trọ chị Lan như tivi, tủ lạnh, máy giặt, quạt điện… được sử dụng thường xuyên. Giá tiền điện khu trọ của chị Lan ở mức 3.000 đồng/số điện nên mỗi tháng, chị phải đóng 300.000 – 400.000 đồng tiền điện, cộng với tiền phòng 1.500.000 đồng khiến mỗi khoản chi tiêu đều phải dè chừng.
Khi nghe tin tiền điện có thể sắp tăng giá, chị Lan lo lắng vì nhiều năm làm công nhân không dư dả tiền tích lũy, nay lại phải gánh thêm chi phí do giá điện tăng cao.
“Trước đây, nhà đông người mà chỉ dám sử dụng một chiếc quạt trần, không dám mua quạt nước, bây giờ điện lại sắp tăng giá, chúng tôi không biết sắp tới phải xoay xở ra sao” – chị Lan lo lắng.
Anh Trần Trung Chức, công nhân trong Khu công nghiệp Hòa Khánh, trọ ở đường Thanh Vinh 4 (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cũng lo ngại khi nghe đến thông tin đề xuất tăng giá điện.
Gia đình 3 người, 2 vợ chồng và 1 con nhỏ, vợ bị mất việc do công ty cắt giảm lao động nên mọi chi phí trong gia đình đều đổ dồn lên khoảng tiền lương 5 triệu đồng một tháng của anh Chức. Mỗi tháng, tiền trọ gia đình anh Chức phải trả là 1.300.000 đồng cộng với 400.000 đồng tiền điện, nước…
“Tiền điện đã có giá 3.000 đồng từ 4 năm nay kể từ khi tôi vô ở đây. Giờ mà giá điện tăng lên, chỉ cần tăng lên 4.000 đồng thôi thì cũng đã quá cao rồi, công nhân ai cũng kêu chứ không chỉ riêng mình tôi” – anh Chức chia sẻ.
Vay mượn, về quê nếu không gồng gánh nổi
Theo ghi nhận tại một số khu phòng trọ cho công nhân trên địa bàn quận Liên Chiểu, giá điện được chủ thanh toán với người thuê từ 3.000 – 3.500 đồng /kWh.
Chị Cao Thanh Liên (quê Quảng Nam), công nhân Khu công nghiệp Hòa Khánh đang mang thai tháng thứ 3 nên không đăng ký tăng ca thường xuyên. Phòng trọ của chị cũng có giá điện 3.000 đồng/kWh nên mỗi tháng phải trả khoảng 300.000 đồng tiền điện, cùng với mức sinh hoạt hằng ngày là 200.000 đồng và tiền trọ, mỗi tháng chị chi ít nhất 8 triệu đồng.
“Nhà chỉ có 2 người, nhưng vì đang mang thai nên tôi phải mua đồ ăn hằng ngày tầm 200.000 đồng chứ không thể nào giảm bớt đi được vì sẽ thiếu chất dinh dưỡng. Nhiều tháng chi tiêu không đủ thì nhờ gia đình ngoại gửi thức ăn hoặc vay mượn đợi lương tháng tiếp theo rồi trả dần” – chị Liên chia sẻ.
Còn đối với chị Trần Thị Lan, 3 người con đều còn nhỏ, chưa phải đóng nhiều chi phí tiền học nên chi tiêu sinh hoạt trong gia đình vẫn ở mức kiểm soát được. Nhưng sắp tới, khi tiền điện tăng giá, chị không biết mình phải xoay sở ra sao khi lại thêm nỗi lo.
“Bình thường giá điện như vậy là đã cao so với mức sống của công nhân ở trọ, nếu bây giờ lại tăng, người công nhân như chúng tôi thêm phần khó khăn. Nhiều khi cũng nghĩ là nếu không gồng gánh nổi nữa thì gia đình tôi sẽ chuyển về quê sinh sống” – chị Lan nói.