Đổi mới hoạt động công đoàn từ những buổi đối thoại
Một trong những chủ trương của tổ chức Công đoàn nhận được sự ủng hộ của dư luận chính là việc thường xuyên tổ chức các chương trình đối thoại giữa lãnh đạo địa phương, tổ chức Công đoàn với NLĐ. Các cuộc đối thoại là cơ hội để lãnh đạo địa phương lắng nghe tâm tư, tình cảm của NLĐ. Từ đó, sẽ đưa ra được những giải pháp, cơ chế, điều chỉnh chính sách theo hướng phù hợp.
Như cuộc đối thoại vào tháng 5.2023, NLĐ mong muốn địa phương quan tâm bố trí dành quỹ đất xây nhà ở xã hội.
Đối thoại với NLĐ, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân đánh giá, đây là nguyện vọng chính đáng và sẵn sàng có chính sách hỗ trợ.
Ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, theo nhu cầu dự kiến từ năm 2021-2025, tỉnh cần 44.000 căn hộ. Để thực hiện kế hoạch này, tỉnh Khánh Hòa đang triển khai Quyết định 338 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”. Trước mắt, Khánh Hòa tập trung xây dựng nhà ở xã hội tại TP Nha Trang. Năm 2024, tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng kế hoạch tiếp tục duy trì, đổi mới các hoạt động đối thoại theo các chủ đề khác nhau.
Điển hình trong tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động từ 1-31.5, Sở LĐTBXH tỉnh Khánh Hòa sẽ chủ trì tổ chức hội nghị đối thoại trong việc thực hiện chính sách, pháp luật an toàn, vệ sinh lao động giữa Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động tỉnh với người sử dụng lao động, NLĐ trên địa bàn.
Tiếp tục đổi mới, bảo vệ quyền lợi NLĐ
Có thể nói các hoạt động xã hội, thi đua của Công đoàn tỉnh Khánh Hòa đã thực sự thiết thực, hữu ích với NLĐ, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và kinh tế xã hội của tỉnh Khánh Hòa nói chung.
Tuy vậy, trong giai đoạn hiện nay việc xảy ra tranh chấp lao động trên địa bàn là khó tránh khỏi khi mà quan hệ lao động ngày càng trở nên phức tạp. Các vụ tranh chấp lao động chủ yếu do doanh nghiệp nợ lượng, không giải quyết chế độ khi nghỉ việc và xảy ra tại các doanh nghiệp không có tổ chức Công đoàn.
Ông Ngô Anh Duyệt - Chủ tịch LĐLĐ TP Nha Trang - đánh giá, trong giai đoạn hiện nay khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể tại doanh nghiệp, LĐLĐ đã chủ động gặp gỡ, tiếp xúc với NLĐ, lắng nghe ý kiến từ phía NLĐ; chủ động trao đổi bàn bạc, đề xuất với chủ doanh nghiệp giải quyết các kiến nghị của NLĐ.
Trong trường hợp giải quyết không thành, LĐLĐ phối hợp với các ngành chức năng giải quyết ổn định tình hình, nắm bắt ý kiến, nguyện vọng của công nhân lao động, thống nhất kết luận và đưa ra các giải pháp hòa giải, giải quyết các nội dung do NLĐ kiến nghị…
Còn theo bà Trương Thị Thu - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Khu kinh tế tỉnh Khánh Hòa, việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tại đơn vị luôn căn cứ tình hình thực tiễn với đặc trưng cơ bản là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp, đông công nhân lao động, trong đó có nhiều doanh nghiệp có vốn FDI…, từ đó có nhiều giải pháp đổi mới phương thức hoạt động phù hợp. Đặc biệt, luôn đổi mới cách cán bộ công đoàn làm việc...