Chia sẻ tại hội thảo mới đây, ông Nguyễn Xuân Khoa - Giám đốc Công nghệ thông tin (Tập đoàn TH Truemilk) - nhìn nhận, chuyển đổi số là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp hiện nay.
Ông Võ Hồng Kỳ - Giám đốc bộ phận Phần mềm công nghiệp (Tập đoàn công nghệ toàn cầu Siemens) - cũng cho biết, chuyển đổi số đối với doanh nghiệp sản xuất có vai trò quan trọng, giúp doanh nghiệp phát hiện ra sản phẩm lỗi, hỏng trong quá trình sản xuất nhờ ứng dụng phần mềm.
Từ đó giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí sản xuất, tạo ra những sản phẩm đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng và tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp sản xuất nói riêng vẫn chưa chú trọng, hiểu rõ được vai trò của chuyển đổi số. Bên cạnh chi phí đầu tư lớn thì yếu tố con người, chất lượng nguồn nhân lực vẫn được coi là "rào cản" của quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp.
Ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) - ho biết, trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen.
Ở Việt Nam hiện nay, chuyển đổi số đã và đang diễn ra ở hầu hết các loại hình doanh nghiệp với nhiều mức độ khác nhau. Theo ông Đỗ Tiến Thịnh, quá trình này cần phải được triển khai với kế hoạch cụ thể và thiết kế sao cho phù hợp với đặc tính, đặc thù của từng ngành và của từng doanh nghiệp.
Điều đáng mừng theo nghiên cứu của DBS về chuyển đổi số vừa được công bố, các công ty ở Việt Nam (68%) xếp hạng cao hơn mức trung bình toàn cầu (64%) trong việc áp dụng cách tiếp cận chiến lược, nhất quán hoặc triệt để để số hóa trải nghiệm và mức độ tương tác của khách hàng. Họ đứng thứ hai trong lĩnh vực này trong số 10 thị trường được khảo sát.
Phần lớn các công ty Việt Nam (63%) hài lòng rằng chuyển đổi số đang giúp họ đạt được lợi nhuận tổng thể, tiếp theo là cải thiện hiểu biết sâu sắc về khách hàng (61%) và năng lực cạnh tranh tổng thể trên thị trường (57%). Hơn một nửa (56%) cho biết họ đã và đang sử dụng công nghệ số trong cung cấp dịch vụ và tương tác khách hàng một cách hiệu quả nhất.