Từ nhiều năm qua, cơ quan chức năng và người dân đều nhận thấy việc cấp dưới biếu xén cấp trên trong dịp Tết là một hiện tượng không bình thường, một biến tướng của tham nhũng, hối lộ, lợi ích nhóm.
Tuy nhiên, việc biếu quà Tết chỉ là triệu chứng, chứ không phải căn nguyên của vấn đề. Mặt khác, việc xử lý triệu chứng này vô cùng khó, nếu không nói là không thể.
Về mặt pháp lý, việc biếu, tặng quà là quyền cá nhân, pháp luật không cấm. Cơ quan chức năng không thể đường đột yêu cầu kiểm tra, xử lý các trường hợp tặng quà, trừ trường hợp đã có quyết định khởi tố vụ án, hoặc có tin báo tội phạm liên quan đến hối lộ, hay cưỡng đoạt tài sản.
Mặt khác, nếu chúng ta cấm biếu xén dịp Tết thì họ sẽ chuyển sang biếu vào…ngày thường, không ai có thể theo dõi, quản lý được.
Dịp Tết, cấp dưới đến nhà cấp trên hay vào phòng làm việc tại cơ quan là hết sức bình thường. Quà biếu, bây giờ đã “đơn giản, gọn nhẹ” thành phong bì, chai rượu. Người dân, muốn tố cáo, cũng bó tay. Chưa nói là nếu muốn tặng quà, người ta có rất nhiều hình thức, địa điểm.
Việc biếu tặng quà thường không xảy ra xung đột lợi ích trực tiếp với bên thứ ba nên hầu như không ai dại gì đi tố cáo. Vì không khéo sẽ mang tội vu khống.
Giả sử có thông tin về biếu tặng quà thì cơ quan chức năng sẽ rất khó xử lý. Hiện chưa có chế tài nào cho phép kiểm tra, lập biên bản xử lý việc biếu tặng quà theo thông tin từ người dân.
Xử lý của Cục Phòng chống tham nhũng khi có thông tin tố giác tặng quà cũng chỉ là tiếp nhận đơn thư, điện thoại tố giác, sau đó chuyển giao hồ sơ, thông tin cho ban ngành, địa phương có trách nhiệm xác minh, xử lý. Sau khi có kết quả, ban ngành, địa phương phải gửi báo cáo về Cục.
Như vậy, chuyện xử lý biếu tặng quà chỉ là “tít mù nó lại vòng quanh”, không thể triển khai được. Vì bằng chứng, cơ sở pháp lý, và chế tài, tất cả đều…không có.
Chúng ta không khuyến khích, thậm chí không chấp nhận việc cấp dưới tặng quà cấp trên. Nhưng, vấn đề cần được giải quyết từ gốc, đó là chỉ khi nào cấp trên từ chối thì cấp dưới sẽ không biếu nữa.
Tuy nhiên, đó là một câu chuyện dài, từ minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập, tăng lương cho cán bộ công chức, cải cách hành chính để xóa bỏ cơ chế xin-cho, kiểm soát quyền lực để tránh lạm quyền, tạo cơ chế cạnh tranh sòng phẳng trong bộ máy hành chính nhà nước cũng như thị trường.