Theo đó, hai phía có ý định thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác trong dự án xây dựng CNEST. Hiện LB Nga và Việt Nam đã ký Hiệp định liên chính phủ về hợp tác xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân tại Việt Nam vào năm 2011 và ký thỏa thuận khung vào năm 2014. Cơ sở này sẽ được trang bị một lò phản ứng nghiên cứu dựa theo mô hình thiết kế của Nga, một máy gia tốc cyclotron đa năng, phòng thí nghiệm cho R&D, một khu phức hợp kỹ thuật, thiết bị và cơ sở hạt nhân nhằm đảm bảo an toàn vận hành cho trung tâm.
Trung tâm nghiên cứu hạt nhân quy mô quốc gia
CNEST là một trung tâm nghiên cứu và triển khai đa chức năng với nhiệm vụ chính là nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng các công nghệ hạt nhân nhằm phục vụ lợi ích của xã hội. Lò phản ứng nghiên cứu phục vụ nhiều mục đích khác nhau như nghiên cứu khoa học vật liệu, sản xuất đồng vị phóng xạ cho các ngành công - nông nghiệp, y học hạt nhân; và đào tạo nguồn nhân lực. CNEST nhằm mục tiêu ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân trong các lĩnh vực khoa học, y tế, địa chất, công - nông nghiệp và nhiều lĩnh vực quan trọng khác.
Trung tâm sẽ vận hành một lò phản ứng đa chức năng thuộc loại lò nghiên cứu làm mát bằng nước với công suất lên tới 15 MW, các thiết bị nghiên cứu và phòng thí nghiệm, tổ hợp kỹ thuật và các trang thiết bị cần thiết nhằm đảm bảo vận hành an toàn lò phản ứng. CNEST sẽ đóng vai trò thiết yếu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển khoa học hạt nhân ở Việt Nam. Đồng thời là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp trong nghiên cứu và triển khai lĩnh vực hạt nhân, đào tạo đội ngũ chuyên gia chất lượng cao cho các ngành khoa học chuyên sâu; tạo cơ hội việc làm cho sinh viên Việt Nam đang theo học chuyên ngành công nghệ hạt nhân tại các trường đại học của Liên bang Nga.
Vòng đời của lò phản ứng dự kiến ít nhất là 50 năm. Tuy nhiên, lò phản ứng sẽ được nâng cấp định kỳ trong suốt vòng đời của nó, do vậy vòng đời của lò phản ứng có thể được gia tăng sau giai đoạn 50 năm đầu tiên. Việc gia tăng vòng đời của lò phản ứng là thông lệ chung của quốc tế. Quan trọng hơn, Trung tâm có thể sẽ được mở rộng, xây dựng thêm các phòng thí nghiệm và cơ sở sản xuất mới.
Ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống
Trung tâm sẽ thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi các kỹ thuật hạt nhân trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, y tế, nông nghiệp và các lĩnh vực dân sinh quan trọng khác. Trung tâm có chức năng sản xuất đồng vị phóng xạ - chất có thể được sử dụng rộng rãi trong chẩn đoán và điều trị các loại ung thư khác nhau, cũng như các bệnh nội tiết và tim mạch; qua đó giúp người dân Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bằng kỹ thuật hạt nhân tiên tiến. Hàng năm, đồng vị phóng xạ và nguồn phóng xạ kín do Trung tâm sản xuất sẽ được dùng để điều trị cho khoảng 10.000 bệnh nhân ung thư, bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch và các loại bệnh hiểm nghèo khác thông qua sử dụng kỹ thuật xạ trị bằng tia gamma và bức xạ neutron. Ngoài ra, các đồng vị phóng xạ cung cấp cho các cơ sở y tế có máy PET/SPECT để chẩn đoán bệnh cũng sẽ được sản xuất tại Trung tâm. Mỗi cơ sở với hệ thống PET/SPECT có thể giúp chẩn đoán mỗi năm khoảng 15.000 bệnh nhân mắc bệnh ung thư, các bệnh về phổi, nội tiết, tim mạch và thần kinh. Đồng thời, CNEST sẽ thúc đẩy phát triển ứng dụng và các công nghệ tiên tiến, chẳng hạn như phân tích nước ngầm và các mẫu đất, quặng để xác định thành phần và cấu trúc của chúng. Đây là công việc đóng vai trò rất quan trọng cho ngành công nghiệp khai khoáng.
CNEST đạt các quy chuẩn về an toàn
Vấn đề được dư luận quan tâm là an toàn hạt nhân cũng được quy định hết sức chặt chẽ. Theo đó, tất cả các hệ thống và trang thiết bị của CNEST đều đạt các quy chuẩn an toàn về hạt nhân và phóng xạ, hoàn toàn an toàn cho cộng đồng dân cư địa phương cũng như đội ngũ cán bộ, nhân viên của Trung tâm. Các trang thiết bị tương tự đã được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới trong nhiều năm qua, cho thấy mức độ an toàn tuyệt đối trong quá trình vận hành. Lò phản ứng nghiên cứu được xây dựng ở Việt Nam đã được chứng minh có đủ khả năng đáp ứng được các yêu cầu an toàn cao nhất. Đây là loại đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới nhờ có độ tin cậy và an toàn cao với thời gian vận hành trên 60 năm. Qua thực tế cho thấy không gây ra bất kỳ sự cố hạt nhân nào ảnh hưởng đến môi trường. Về mặt kỹ thuật, các hệ thống an toàn của lò phản ứng nghiên cứu dựa trên nguyên lý “bảo vệ theo chiều sâu”, trong đó sử dụng một loạt các lớp bảo vệ vật lý, nhằm ngăn chặn việc rò rỉ của các khí thải ion hóa, các vật liệu hạt nhân và chất phóng xạ. Về câu hỏi liệu CNEST có phát tán các chất độc hại (phóng xạ) ra môi trường không khí, môi trường nước và môi trường đất hay không? Các chuyên gia Rosatom cho biết: CNEST đảm bảo sẽ không gây ra bất kỳ tác động xấu nào lên môi trường (cả môi trường không khí và môi trường đất) và hoàn toàn an toàn đối với các quốc gia láng giềng. Ngoài ra, CNEST sẽ theo dõi liên tục và chặt chẽ việc phát tán phóng xạ ra ngoài khuôn viên Trung tâm để đảm bảo an toàn cho môi trường. Đặc biệt, lò phản ứng nghiên cứu và các tổ hợp bức xạ nguy hiểm khác sẽ được trang bị các thiết bị đo và cảnh báo bức xạ. Khi hoạt độ các khí phóng xạ phát tán qua hệ thống thông gió của cơ sở lò phản ứng nghiên cứu đạt tới giới hạn cho phép (giới hạn an toàn), lò phản ứng sẽ ngay lập tức được dừng hoạt động để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người và môi trường.
Tin bài liên quan