Quán miến lươn bán 400 bát mỗi ngày nhờ công thức gia truyền 3 đời

Nhật Minh |

Quán miến lươn của bà Ninh Hồng Thiện (58 tuổi) đã níu chân nhiều thực khách suốt 38 năm qua nhờ công thức gia truyền 3 đời.

Theo bà Thiện, nghề miến lươn đã có từ thời bà nội, sau đó bà được mẹ truyền nghề và mở bán từ năm 1986 tại phố Đình Ngang (Hoàn Kiếm). Khi đó, bà chỉ bán với một đôi quang gánh cùng hai món chính là miến lươn nước và miến lươn trộn.

Đến năm 2021, bà Thiện mở quán tại phố Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) và bán tới hiện tại.

Bà Thiện hiện đang bán tại phố Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Nhật Minh
Bà Thiện hiện đang bán tại phố Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Nhật Minh

Theo nữ chủ quán, một bát miến lươn chuẩn vị cần có đầy đủ nguyên liệu là miến dong tươi, lươn, giá, rau dăm, rau mùi tàu và hành khô. Mọi nguyên liệu đều do bà Thiện tự tay chế biến và bày biện ngăn nắp trong các khay riêng biệt.

Về phần lươn, quán bà Thiện có hai loại là lươn chiên giòn và lươn mềm, để phục vụ theo khẩu vị từng thực khách. Bà Thiện nhập loại lươn đồng tươi Nghệ An, có vỏ ngoài màu vàng óng.

“Những con lươn đạt chuẩn khi chiên lên sẽ có màu vàng tự nhiên, có độ béo và giúp món ăn chuẩn vị hơn” - bà Thiện nói.

Lươn sau khi nhập từ mối quen sẽ được đầu bếp sơ chế sạch với muối, giấm và nước. Tiếp đến, lươn được chần qua nước sôi và gỡ thịt cẩn thận.

Đối với lươn chiên giòn, lươn được tẩm bột đều và chiên trong chảo dầu nóng đến khi ngả vàng, thịt săn lại. Còn với lươn mềm, lươn được chiên sơ cùng với mỡ hành và một số loại gia vị khác.

Món lươn chiên giòn tại quán bà Thiện ghi điểm với nhiều thực khách. Ảnh: Nhật Minh
Món lươn chiên giòn tại quán bà Thiện ghi điểm với nhiều thực khách. Ảnh: Nhật Minh

Về phần nước dùng, chủ quán sử dụng hai loại nguyên liệu chính là xương heo và xương lươn. Xương heo được rửa sạch sau đó hầm trong nhiều giờ đồng hồ để nước có vị ngọt. Còn xương lươn sẽ được xay và lọc phần bã để lấy nước cốt.

“Làm như vậy để nước dùng không bị đục mà vẫn đảm bảo được hương vị từ xương lươn trong nồi nước dùng” - bà Thiện lý giải.

Nồi nước dùng được nấu từ xương heo và xương lươn. Ảnh: Nhật Minh
Nồi nước dùng được nấu từ xương heo và xương lươn. Ảnh: Nhật Minh

Ngoài ra, bà Thiện sử dụng thêm một số nguyên liệu như hành tây, gừng để nước dùng dậy mùi hơn.

Đối với miến lươn trộn, loại nước sốt được pha chế từ những nguyên liệu đơn giản như tỏi, đường, giấm, ớt... Sau đó gia giảm sao cho nước sốt phù hợp với hương vị miến, không quá đậm và vừa ăn. Mỗi ngày, quán miến lươn của bà Thiện bán được khoảng 400 bát.

Một suất miến lươn trộn tại quán bà Thiện có giá 35.000 đồng. Ảnh: Nhật Minh
Một suất miến lươn trộn tại quán bà Thiện có giá 35.000 đồng. Ảnh: Nhật Minh

Anh Phạm Văn Hưng (35 tuổi, Cầu Giấy), một thực khách quen của quán, cho biết: “Món lươn chiên giòn có độ ngậy, giòn, dễ ăn và không bị ngấy nên tôi rất thích”.

Ngoài 2 món chính là miến lươn nước và miến lươn trộn, quán bà Thiện còn có miến lươn xào, nộm lươn hay súp lươn để thực khách thay đổi khẩu vị. Các món miến lươn dao động từ 35.000 đến 45.000 đồng mỗi suất.

Nhật Minh
TIN LIÊN QUAN

Bún bò “múa lửa” với công thức gia truyền được trả giá nào cũng không bán

Nhật Minh |

Ẩn trong con ngõ chỉ rộng hơn 1 mét, quán bún bò Nam Bộ của ông Hà Đình Hoà (67 tuổi) hấp dẫn thực khách với màn “múa lửa” độc đáo.

Quán bánh rán gia truyền ở Hà Nội bán hàng nghìn chiếc một ngày

Nhật Minh |

Quán bánh rán gia truyền tại phố Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) của anh Nguyễn Quốc Khánh (29 tuổi) ngày cao điểm bán từ 5.000 đến 7.000 chiếc.

Gen Z kế nghiệp quán phở gia truyền 4 đời ở Hà Nội, ngày bán hàng trăm bát

Nhật Minh |

Mới 23 tuổi, Cồ Thanh Hương đã là chủ quán đời thứ tư của hàng phở bò Nam Định có thương hiệu gần 40 năm trên phố Nguyễn Khuyến (Đống Đa, Hà Nội).

Bún bò “múa lửa” với công thức gia truyền được trả giá nào cũng không bán

Nhật Minh |

Ẩn trong con ngõ chỉ rộng hơn 1 mét, quán bún bò Nam Bộ của ông Hà Đình Hoà (67 tuổi) hấp dẫn thực khách với màn “múa lửa” độc đáo.

Quán bánh rán gia truyền ở Hà Nội bán hàng nghìn chiếc một ngày

Nhật Minh |

Quán bánh rán gia truyền tại phố Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) của anh Nguyễn Quốc Khánh (29 tuổi) ngày cao điểm bán từ 5.000 đến 7.000 chiếc.

Gen Z kế nghiệp quán phở gia truyền 4 đời ở Hà Nội, ngày bán hàng trăm bát

Nhật Minh |

Mới 23 tuổi, Cồ Thanh Hương đã là chủ quán đời thứ tư của hàng phở bò Nam Định có thương hiệu gần 40 năm trên phố Nguyễn Khuyến (Đống Đa, Hà Nội).