Các tỉnh nhiều thác ghềnh nhất Việt Nam và hướng phát triển du lịch

LÝ VIẾT TRƯỜNG |

Thác, ghềnh ngoài những giá trị về mặt thủy lợi còn là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch vùng núi.

Theo số liệu điều tra nghiên cứu của Nguyễn Trung Minh, Nguyễn Ngọc thì ở Việt Nam hiện nay, người ta đã phát hiện 519 thác, ghềnh, phân bố rộng rãi trên địa bàn 39/63 tỉnh thành. Trong đó Lâm Đồng là tỉnh có nhiều thác ghềnh nhất, với con số là 40; xếp thứ hai và ba là tỉnh Gia Lai, Khánh Hòa với lần lượt là 34 và 29 thác, ghềnh; tiếp theo là các tỉnh Lào Cai, Nghệ An, Tuyên Quang với số lượng là 26…

Hệ thống thác - ghềnh

Thác là chỗ dòng chảy (sông, suối) có nước chảy từ trên cao xuống thấp theo phương thẳng đứng nếu lòng chảy bị đứt gãy, hoặc chảy theo các sườn địa hình có độ dốc khác nhau lớn hơn 30 độ so với mặt phẳng địa hình, và cải hai trường hợp này phải có chiều cao cột nước tính từ đỉnh tới chân thác lớn hơn 3m.

Theo các nhà nghiên cứu Nguyễn Trung Minh, Nguyễn Ngọc thì thác có thể chia thành một số loại hình sau: Kiểu thác đổ hay thác lao, kiểu này có đỉnh là gờ của vách đá cứng; kiểu thác đuôi ngựa; thác dạng đập tràn; thác dạng mành mành, hay còn gọi là dạng màn che; thác phân đoạn, hay còn gọi là phân nhánh; kiểu thác dốc lao; thác trượt; thác phân bậc; thác tràn, phủ; thác hỗn hợp; thác dồn ứ.

Thác Thanh Sao tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Thuận Bùi
Thác Thanh Sao tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Thuận Bùi

Ghềnh là một phần của dòng sông, nơi có dòng chảy nghiêng thoải, lòng dòng chảy có chướng ngại vật là các thành tạo đất cát, đá cứng nhô lên khỏi mặt nước hoặc nằm dưới mặt nước làm thu hẹp dòng chảy, cản trở dòng chảy làm cho mực nước dâng lên cao rồi đổ dồn xuống các chỗ thấp tạo nên dòng chảy hỗn loạn, chảy xiết, hung dữ, tung bọt trắng xóa và có thể kèm theo các xoáy nước ở xung quanh.

Cũng theo hai nhà nghiên cứu, thì ghềnh có thể được phân thành các loại sau: Kiểu có dòng nước chảy nhanh, có sóng nhỏ và rất ít chướng ngại vật; kiểu ghềnh có lòng dòng chảy rộng, tốc độ dòng chảy nhanh, có sóng nhỏ cao dưới 0,61m, không có nhiều chỗ ngoặt và ít chướng ngại vật, xuồng có thể vượt qua tương đối dễ dàng; kiểu ghềnh có dòng chảy xiết, sóng to; kiểu ghềnh có dòng chảy rất mạnh, sóng to, các xoáy nước rộng, hướng dòng chảy không thể đoán được, chướng ngại vật nguy hiểm; kiểu gềnh có đặc điểm hung dữ, nguy hiểm, nhiều chướng ngại vật, các chỗ ngoặt hẹp, vực xoáy mạnh nguy hiểm và có thêm những trở ngại khác rất khó tránh; kiểu ghềnh rất nguy hiểm, nhiều chướng ngại vật ngoặt nghèo, dòng chảy hung dữ.

Thác Bản Giốc. Ảnh: Mác Kham
Thác Bản Giốc. Ảnh: Mác Kham

Tiềm năng du lịch

Thác, ghềnh là nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn với du khách không chỉ bởi vẻ đẹp, mà còn là sự kỳ vĩ, hấp dẫn của cảnh quan. Theo các nhà nghiên cứu Nguyễn Trung Minh, Nguyễn Ngọc thì thác, ghềnh có nhiều điều kiện để góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển, trong đó loại hình du lịch thích hợp nhất là du lịch tham quan, vì cảnh quan xung quanh thác thường rất đẹp, không khí trong lành, mát mẻ, bụi nước tung bay bao trùm khu vực thác tạo nên cảnh quan huyền ảo.

Thác, ghềnh cũng là đối tượng của du lịch văn hóa và lễ hội, ví dụ như ở Đức Trọng – Lâm Đồng hàng năm vào dịp rằm tháng Giêng du khách thập phương lại đổ về trẩy hội thác Pongour để cầu nguyện tình duyên, mong ước cuộc sống yên lành. Ở Sa Pa, Lào Cai dòng thác Cát Cát hay Tiên Sa cũng là địa điểm thường xuyên diễn ra các cuộc vui chơi, biểu diễn văn nghệ, trò chơi dân gian…

Du lịch tắm thác cũng là hình thức giải trí có nhiều tiềm năng, nhất là vào mùa hè với không khí nóng bức, được hòa mình trong làn nước mát dưới chân thác trong xanh là một trải nghiệm vô cùng hấp dẫn. Du lịch câu cá cũng là một thú vui được nhiều người lựa chọn, bởi nó vừa là thú vui vừa giúp thư giãn cơ thể.

Thác trên núi Mẫu Sơn. Ảnh: Thuận Bùi
Thác trên núi Mẫu Sơn. Ảnh: Thuận Bùi

Ngoài ra thác, ghềnh còn là địa điểm để phát triển ngành du lịch mạo hiểm, kết hợp với các hoạt động vui chơi thể thao. Các loại hình du lịch mạo hiểm bao gồm: Du lịch thể thao như đu dây leo thác, xuống thác; du lịch nghiên cứu, thám hiểm…

Sự phát triển của du lịch thác, ghềnh góp phần vào sự phát triển của các hoạt động dịch vụ đi kèm như hướng dẫn viên du lịch, cung cấp nơi lưu trú, lương thực thực phẩm, đồ lưu niệm… từ đó dẫn tới sự thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

LÝ VIẾT TRƯỜNG
TIN LIÊN QUAN

Thi bóc hạt dẻ tại Lễ hội du lịch thác Bản Giốc 2022

Thảo Hương (T/H) |

Tại Lễ hội du lịch thác Bản Giốc 2022 sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn được diễn ra.

Lâm Đồng khai thác tuyến tour kết hợp Festival Hoa Đà Lạt 2022

Chí Long |

Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX - 2022 đã được thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá từ 2 tháng trước qua các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình.

Có một dòng thác mát lạnh, thơ mộng ở Uông Bí

Thiên Hà |

Uông Bí - Thiên nhiên ban tặng cho Thác Lựng Xanh, tỉnh Quảng Ninh dòng nước trong xanh, ngay dưới chân thác có một hồ nước lớn từ phía nguồn đổ về.