Chùa Tây Phương nằm trên đỉnh đồi Câu Lâu thuộc thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Đây là một điểm đến tâm linh thu hút nhiều du khách thập phương ghé tới hành hương. Chùa Tây Phương nổi bật với những công trình kiến trúc cùng những kiệt tác hiếm có của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo.
Được biết đến với tên gọi khác là Tây Phương Cổ Tự, chùa Tây Phương được biết đến là ngôi chùa cổ thứ 2 ở Việt Nam (sau chùa Dâu Bắc Ninh). Vì vậy, vào năm 2014, Chính phủ đã công nhận chùa Tây Phương là Di tích Quốc gia đặc biệt về giá trị kiến trúc nghệ thuật.

Kiến trúc chùa được xây dựng theo kiểu chữ Tam, gồm 3 hạng mục nằm song song với nhau, đặc trưng cho phong cách thời Lê Trung hưng, với 2 tầng mái vươn lên thanh thoát.
Không chỉ nổi bật với kiến trúc độc đáo, chùa Tây Phương còn là nơi tập trung những tác phẩm đặc sắc của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo bao gồm chạm trổ, phù điêu và tạc tượng.

Nổi bật nhất ở chùa Tây Phương là hơn 70 pho tượng cùng với các bức phù điêu, chủ yếu được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng với những giá trị về kiến trúc, lịch sử, tôn giáo.
Từ cổng chính bước qua khoảng sân chùa, du khách sẽ thấy 3 nếp nhà song song với nhau, theo thứ tự được gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Phía sau và 2 bên của chùa chính là nơi thờ nhà Tổ và Mẫu.

Một trong điểm nổi bật của chùa Tây Phương so với các ngôi chùa khác là nơi đây sở hữu rất nhiều những bức tượng pháp cùng với những kiệt tác hiếm có trong nghệ thuật điêu khắc tôn giáo.
Hàng năm cứ vào tháng 3 âm lịch, người dân lại nô nức mở hội chùa, lễ hội kéo dài từ ngày mùng 6 tháng 3 đến mùng 10 tháng 3 với nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc thu hút nhiều du khách ghé thăm.
Bên cạnh đó, lễ hội còn tổ chức nhiều trò chơi mang tính tập thể như kéo co, đánh vật, cờ người... với mong muốn người dân có một năm mới ấm no hạnh phúc, luôn khỏe mạnh bình an.
Chùa Tây Phương đã được UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 2475/ QĐ-UBND về việc công nhận điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt.
Xem thêm: Nhịp sống chậm ở làng Hollywood Hà Nội