Phố hàng Bút ngày nay dài chưa đến 70m, nối hai phố Thuốc Bắc và Bát Sứ. Cái tên Hàng Bút vốn thuộc về con phố giáp phố Hàng Mụn, nay là đoạn phía nam phố Thuốc Bắc. Phố này chuyên bán giấy vở, bút mực, bút lông cho học sinh.
Người Pháp trước đây gọi phố Hàng Bút (Thuốc Bắc) là “rue Cambanère”, phố hàng Mụn là “rue des Chiffons”. Năm 1945, Cambanère đổi tên thành phố Hàng Bút còn phố Chiffons là ngõ Hàng Bút. Từ 1949, phố Hàng Bút (cũ) trở thành một phần của phố Thuốc Bắc, còn ngõ Hàng Bút trở thành phố Hàng Bút.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, nghề làm bút thủ công trên con phố Hàng Bút “xịn” mai một. Hiện chỉ còn duy nhất hiệu “Bút lông Kim Dung” giữ nghề truyền thống này trên phố Thuốc Bắc sầm uất.
Vừa nắn nót chỉnh sửa và đóng gói từng chiếc bút lông, ông chủ hiệu chia sẻ: “Tôi hiệu là Kim Dung, gia đình có truyền thống 3 đời làm nghề bút lông”.
“Nghề này ngày xưa sản xuất các chổi lông bút lông nhưng theo thời gian một là họ bỏ nghề hoặc là họ chuyển, gia đình đông con thì họ bán nhà đi. Nhà tôi thì trụ lại được” - người nghệ nhân tiết lộ. “Trước đây tôi vốn là cán bộ công nhân viên nhà nước, từ khi nghỉ hưu tôi mới hoàn toàn theo nghề của gia đình và cho đến nay đã được 13 năm. Thời gian học nghề từ gia đình phải là mấy chục năm”.
Ở tuổi 73, có mức lương hưu ổn định, người đàn ông này vẫn gắn bó và duy trì nghề của gia đình vì “tiếc”. Ông quan niệm, làm nghề gì cũng cần có thu nhập để nuôi sống bản thân. Bởi vậy, con cái của ông đã ổn định sự nghiệp, khó theo đuổi một nghề thủ công đang dần mai một vì ngày càng ít người tìm mua bút lông truyền thống.
Hiệu bút thủ công này hiện chỉ nhận những đơn hàng từ các nhà máy đặt theo mẫu có sẵn, để đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường. Ở thời đại phát triển hiện nay, để dạy và truyền lại nghề bút này không khó, nhưng để tiếp nối và phát triển lại khó khăn vô cùng.
hủ hiệu này làm bút từ lông sơn dương hay còn gọi là lông dê núi. Phải là dê vùng xứ lạnh mới có lông đẹp, dày, giá thành tương đối cao vì không có sẵn ở Việt Nam. Nguyên vật liệu làm nghề đắt, lời lãi không đáng kể mà thời gian, công sức đầu tư lại nhiều.
Nếu người làm không cẩn thận, nghiêm túc và có một sự quen tay nhất định, những chiếc bút sẽ không được thẳng thớm, gọn gàng và có thể sẽ phải làm lại, rất mất thời gian. “Để làm ra một chiếc bút lông cần rất nhiều công đoạn, chỉ có người già kiên trì thôi”, chủ hiệu nói.
Thấm thoát đã mấy chục năm, cửa tiệm nhỏ với tấm biển giản dị vẫn là địa chỉ uy tín được khách hàng tìm đến mỗi khi cần những chiếc bút lông thủ công. Không chỉ riêng cửa hiệu Kim Dung, những cửa hiệu gia truyền khác giữa 36 phố xưa của Hà Nội vẫn kiên trì giữ nghề ông cha để lại như để câu ca xưa còn vang mãi: “Khéo tay hay nghề, đất lề Kẻ Chợ”.