Chùa Hoa Lâm, thường gọi chùa Ngự ở xã Hoa Lâm, sau là thôn Tiền Hậu, xã Văn Lâm, tổng Văn Lâm, nay là làng Văn Lâm, xã Lâm Trung Thuỷ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh năm 2008.
Đây là ngôi chùa cổ được xây dựng đã nhiều năm, theo hồ sơ đề xuất xếp hạng di tích. Theo tác giả Thái Kim Đỉnh viết trong sách “Chùa cổ Hà Tĩnh”, chùa được lập từ thời Trần.
Tương truyền chùa do công chúa Mỹ Ngọc, con gái vua Trần Trùng Quang, lập lên đầu thế kỷ XV. Ngày nay phần mộ của bà vẫn ở trên vùng đất trước chùa. Chùa xưa có hai toà nhà lớn, chạm trổ đẹp, dựng trong vườn cây cổ thụ và hơn 150 pho tượng quý. Trải qua biến thiên lịch sử, chiến tranh... chùa hiện còn 50 pho tượng Phật, giá trị nhất là các pho Phật tổ Như Lai, A Di Đà, Quan Âm bồ tát…
Ngôi chùa hiện nay đã được sửa sang khá khang trang, trong đó có bức đại tự chữ Hán “Hoa Lâm Ngự tự” (chùa Hoa Lâm Ngự) có từ thời vua Thành Thái.
Theo một tài liệu do ông Nguyễn Trọng Thuyết - một người cao niên trong làng sưu tầm được, nguồn gốc ra đời của chùa Hoa Lâm được mô tả rất chi tiết.
Cụ thể, sau sự kiện Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, vào năm 1232, khoảng 300 nhà sư miền Bắc họp tại một ngôi chùa có tên “Hoa Lâm Ngự tự” tại làng Hoa Lâm, huyện Đông Ngàn (vùng huyện Đông Anh, Hà Nội ngày nay), định làm một cuộc khởi nghĩa khôi phục nhà Lý.
Trần Thủ Độ hay tin đem quân tới đàn áp, giết chết hơn 200 người. Số còn lại li tán tứ xứ, trong số đó có một số chạy vào vùng Thanh Hoá - Nghệ Tĩnh, đem theo một số đồ tế khí và tượng Phật.
Khoảng 15 năm sau (1247), họ xây dựng một số ngôi chùa trên vùng đất Chi La trong đó có chùa Ngự ở xã Hoa Lâm (ngày nay là làng Văn Lâm, xã Lâm Trung Thuỷ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh). Đồ tế khí và tượng Phật được phân chia đều cho các chùa.
Tên chùa “Hoa Lâm Ngự tự” ở làng Văn Lâm (huyện Đức Thọ) được đặt theo tên chùa “Hoa Lâm Ngự tự” ở làng Hoa Lâm, huyện Đông Ngàn (vùng huyện Đông Anh, Hà Nội ngày nay) để nhớ cố hương.
Theo tìm hiểu, thời gian và địa danh trong tài liệu của cụ Nguyễn Trọng Thuyết đều trùng khớp với thời gian và địa danh ở làng Hoa Lâm, huyện Đông Ngàn (Đông Anh, Hà Nội ngày nay).
Trong cuộc toạ đàm của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Hội Sử học Hà Nội về “Những phát hiện khảo cổ học ở Đông Anh và những vấn đề về quê hương nhà Lý”, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, khẳng định: “Quê ngoại của vua Lý Công Uẩn chính là Hoa Lâm xưa và Thái Đường ngày nay”.
Đầu thế kỷ XV, tổng hành dinh của nhà hậu Trần (do Trần Quý Khoáng thường gọi là Trùng Quang Đế) đóng tại Bình Hồ, huyện Chi La (nay là xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ).
Thời gian này, công chúa Mỹ Ngọc (con gái vua Trùng Quang Đế), trong một lần đi thăm vùng đất Chi La, đã dừng thuyền tại đây và vào thăm chùa. Thấy chùa quá hoang sơ, đồ tế khí lại ít nên công chúa động lòng trắc ẩn, về xin vua cha cho xây dựng chùa.