Góc nhìn 360 độ trên dòng sông Hậu
Những ngày giữa tháng 4, dưới cái nắng oi ả của mùa hè, chúng tôi có chuyến tham quan miền Tây bằng du thuyền. Rời bến tại cồn Cái Khế, TP Cần Thơ, chuyến hành trình bắt đầu lúc 16 giờ để du khách bắt trọn khung cảnh hoàng hôn lãng mạn trên dòng sông Hậu. Tàu chạy chậm và êm ả qua từng cây số, tiếng động cơ cực nhỏ. Tầng cao nhất của con tàu đón hết những làn gió trong lành, mát rượi trên sông khiến một phút nào đó tôi quên mình đang trong những ngày hè đổ lửa.
Phòng tôi nằm ở tầng 2 của du thuyền, bắt trọn tầm nhìn ra sông ấn tượng từ bình minh cho đến hoàng hôn. Tàu di chuyển về TP Long Xuyên, An Giang và hình ảnh cầu Cần Thơ khuất dần về phía sau. Càng về tối, khung cảnh hai bên bờ bắt đầu lung linh. Ở giữa một nơi hùng vĩ và rộng lớn như sông Hậu, ánh đèn từ những mái nhà dân chỉ còn là những chấm sáng li ti.
Đến miền Tây không thể bỏ qua tiết mục đờn ca tài tử. Bên trong con tàu, những người nghệ nhân trong trang phục áo bà ba, khăn rằn chân phương đang cầm đàn bầu, đàn kìm, guitar... ngân nga những giai điệu "Tình anh bán chiếu", "Dạ cổ hoài lang" vô cùng thổn thức và mang lại nhiều cảm xúc cho du khách.
Nhà hàng tại tầng 2 với góc nhìn 360 độ toàn cảnh sông nước là nơi lý tưởng để chúng tôi thưởng thức bữa tối với các món ăn mang đậm bản sắc Nam Bộ như: canh chua chả cá, vịt kho gừng, mực, bò xào cần tây, gỏi gà bông súng, gỏi nấm...
Ban đêm trên sông thật yên tĩnh, chỉ còn tiếng nước chảy theo mạn thuyền và những con sóng nhỏ lăn lăn trên mặt nước. Chúng tôi ngồi ngoài hành lang ngắm cảnh hai bên bờ sông, thỉnh thoảng bắt gặp những chiếc ghe chở hàng chạy xuyên đêm, đèn pha sáng cả một vùng.
Thăm những địa điểm nổi tiếng
Sáng hôm sau, tôi thức giấc khi đang ở giữa sông Hậu, từ mọi vị trí trên tàu đều có thể thấy mặt trời mọc, nhưng tôi sẽ lên boong tàu để thư thái ngắm khoảnh khắc ngày mới bắt đầu.
Trên bầu trời, những cánh chim tung bay, chao nghiêng tự do, mặt trời dần đỏ rực, hé sáng ở một góc trời. Hai bên bờ sông, một màn sương giăng mờ ảo vẫn còn bao phủ những hàng cây, mái nhà. Phía xa xa là hình ảnh cầu Vàm Cống to lớn bắc ngang sông Hậu, lờ mờ trong sương sớm. Chúng tôi thích thú khi thấy những chiếc xà lan, ghe chở hàng xuôi ngược trên sông, tất tả xuyên qua ánh nắng bắt đầu một ngày mới.
Đoàn chúng tôi đến thăm chợ nổi Long Xuyên. Không tấp nập những khách du lịch như chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Long Xuyên phần lớn là những ghe hàng của tiểu thương bán khóm, dưa hấu, bắp... tụm 2, tụm 3 cân đếm hàng hóa. Và đâu đó là hình ảnh những tiệm nước giải khát, tạp hóa mini trên những chiếc ghe hàng bông làm du khách thích thú, ai cũng mua một ly cà phê sữa, đậu nành để vừa nhâm nhi, vừa ngắm cảnh.
Thuyền cập bờ, chúng tôi đi bộ đến Bảo tàng An Giang nằm trên đường Tôn Đức Thắng, TP Long Xuyên. Khác với hình dung của tôi về một nơi có phần đơn điệu, Bảo tàng An Giang lại rất sinh động với các hiện vật, bảo vật của văn hóa Óc Eo được trưng bày bề thế. Song song đó là những vật dụng sinh hoạt trong đời sống người Kinh, Chăm, Hoa, Khmer cũng được sưu tầm đầy đủ, mang lại những góc nhìn toàn cảnh về tập quán của người dân Nam Bộ.
Nắng chiều chói chang khi thuyền xuôi dòng đến cù lao Ông Hổ nằm giữa dòng sông Hậu, thuộc xã Mỹ Hòa Hưng. Vùng đất rộng lớn, giữ nguyên nét đẹp bình dị của một chốn thôn quê với vườn cây ăn trái trĩu quả, chùm xoài đung đưa bên đường, cánh đồng lúa xanh mướt.
Xe lôi chở đoàn khách len lỏi qua những con đường xi măng rồi dừng chân ở nhà hộ dân làm chậu hoa kiểng và se nhang, tận mắt quan sát các cô chú dùng đôi tay điêu luyện làm nên những sản phẩm đẹp mắt, khéo léo chỉ trong ít phút ngắn ngủi.
Qua một vài chiếc cầu nhỏ, xe rẽ vào miếu Ông Hổ, điểm đến tâm linh nổi tiếng và cũng là nơi bắt nguồn cho tên gọi của cù lao. Tương truyền, ngôi miếu đã có từ rất lâu, vô cùng linh thiêng với người dân trong vùng trong việc cầu công ăn việc làm và sinh con cái. Ngồi ở miếu, những vị khách được nghe chuyện thuở còn khai hoang lập ấp ở cù lao, nét chung sống thủy chung, bền lòng của người Nam Bộ trước muôn vàn khó khăn lúc ban sơ.
Mỗi khi đoàn xe chở khách qua, người dân địa phương lại nở những nụ cười và cất lời chào thân thiện, đặc biệt là trẻ em. Có vài em nhỏ còn đi theo đoàn ra tận bến đò, đứng vẫy tay chào tạm biệt cho đến khi tàu đi xa. Sự hiếu khách, dễ mến là một trong những nét đẹp mà ai đi miền Tây cũng nhớ, cũng thương và mong muốn trở lại.
Buổi chiều trên thuyền vẫn trôi êm ả, tôi chọn cho mình một góc trên tàu, thưởng thức cocktail và nhâm nhi trái cây, ngắm cảnh sông nước êm đềm. Ngồi ở boong tàu quá chill mà tôi quên mất thời gian, cho đến khi ánh trăng đã chiếu sáng vành vạnh và những vì sao bắt đầu lấp lánh trên bầu trời đêm.
Sau một đêm ngon giấc, tàu qua dòng Vàm Nao đến sông Tiền để chuẩn bị cập bến làng nghề làm cà ràng (bếp lò) tại xã Phú Thọ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Tôi và những người bạn đồng hành chăm chú nghe người dân kể chuyện cha truyền con nối bám đất giữ nghề làm cà ràng không mai một. Dù cho, hiện tại vật dụng này không còn quá phổ biến trong căn bếp người miền Tây. Nếu muốn có một món đồ kỷ niệm, bạn có thể dạo quanh làng, mua những khay bánh khọt, nồi xông... làm từ đất sét về dùng trong gia đình với giá chỉ vài chục nghìn đồng.
Chuyến thăm làng cà ràng khép lại hành trình chu du trên dòng sông Mekong với nhiều cung bậc cảm xúc. Những ngày trải nghiệm nghỉ dưỡng đan xen nhiều hoạt động khám phá văn hóa, nếp sống của người dân Nam Bộ bình dị, thân thương, làm cho chuyến du ngoạn trở thành một trong những trải nghiệm đáng thử khi đến miền Tây.