Theo chân khắc tinh ong rừng đi tìm mật ở Hòa Bình

Bài và ảnh NGUYỄN THÚY |

Len lỏi vào từng ngách rừng, dõi mắt lên từng tàng cây, những người thợ săn mật ong rừng tại Tân Lạc (Hòa Bình) bất chấp nguy hiểm để tìm “lộc” giữa đại ngàn - thức quà sóng sánh, dịu ngọt của đất trời.

Được biết, ong rừng ở Tây Bắc được chia thành 4 loại chính, gồm ong đá, ong ruồi, ong rú và ong khoái. Riêng loại ong khoái lại có kích thước to hơn cả, chúng có nọc độc nhưng lại cho vị mật ngọt thanh nhất. Mùa lấy mật ong khoái thường có hai vụ trong năm, dịp giữa mùa xuân và mùa thu - thời điểm hoa rừng nở rộ.

Băng rừng tìm mật

Tôi có dịp được theo chân cùng anh Lò Văn Mạnh - người được coi là một trong số khắc tinh của ong rừng đi tìm mật. 14h chiều, chúng tôi bắt đầu hành trình băng rừng, lội suối lần theo dấu ong. Hành trang mang theo là nước uống, túi bóng đựng mật, một con dao và chiếc bật lửa.

Nhóm đi lấy mật ong rừng của anh Mạnh có 3 người. Không chỉ lấy mật ở những cánh rừng Hòa Bình, họ còn đi lấy mật rừng tại Sơn La, Tân Sơn. Tiết lộ về kinh nghiệm trong nghề săn mật, anh Mạnh chỉ cười trừ cho rằng, phải tinh mắt, có “mẹo nhìn” riêng và kèm theo đó là sự kiên trì. Bằng trực giác lâu năm, những thợ săn chuyên nghiệp chỉ cần nhìn hướng ong bay thấp hay bay cao, số lượng ít hay nhiều cũng có thể đoán được vị trí và kích thước của tổ ong.

Len lỏi qua những con đường mòn trơn trượt, nhầy nhụa sau mưa, băng qua nhiều khe nước với những mỏm đá phủ đầy rêu, chúng tôi bắt đầu thấy có hơn chục con ong khoái đang đậu dưới nước. “Nếu ong uống nước xong lượn vòng xoáy ốc rồi bay cao lên là dấu hiệu mừng vì chắc chắn tổ của nó gần đây”, anh Mạnh nói.

Công việc lấy mật ong khoái rất khó khăn và nguy hiểm, chỉ cần một sơ sẩy nhỏ có thể đánh đổi cả tính mạng.
Công việc lấy mật ong khoái rất khó khăn và nguy hiểm, chỉ cần một sơ sẩy nhỏ có thể đánh đổi cả tính mạng.

Lần theo hướng đàn ong bay, chúng tôi ngược lên con dốc cao chừng 2km, ai nấy cũng đều hướng mắt tập trung tìm tổ ong. Đi bộ chừng hơn 30 phút, anh Mạnh phát hiện ra một tổ ong khoái nằm trên ngọn cây cách mặt đất gần 20m. Sau đó, những người thợ bắt đầu lấy dao gom lá rừng khô cuộn thành một đống bùi nhùi rồi nhen lửa. Đống bùi nhùi phải bện chặt, độn thêm ít lá tươi tạo khói khiến đàn ong rời tổ.

Người thợ mang trang phục bảo hộ, đội mũ để tránh bị ong tấn công.
Người thợ mang trang phục bảo hộ, đội mũ để tránh bị ong tấn công.

Anh Mạnh trèo lên và khua bùi nhùi khói đuổi ong, rồi thọc tay cắt từng bọng sáp đầy mật. Toàn bộ công đoạn này mất chừng mười phút. “Phải thao tác càng nhanh càng tốt, bởi nếu ở trên cây quá lâu, đàn ong phát hiện bị mất tổ sẽ tấn công lại, rất nguy hiểm”, anh Mạnh nói.

Sau hơn 3 giờ vượt rừng, chúng tôi lấy được 5 tổ ong với khoảng 20 lít mật. Anh Mạnh chọn một ví trí đất bằng phẳng đặt cả tổ ong vừa đánh lên, đốt 3 que hương rồi vái lạy. Vái xong, anh nói lời cảm ơn thần rừng, thần sông, thần suối, thần thổ địa đã phù hộ cho anh tìm thấy được tổ ong to, lấy mật suôn sẻ, rồi mời các vị thần đến dùng những giọt mật đầu tiên. “Lộc của rừng nên mình phải cúng các vị thần linh chứ”, anh Mạnh nói.

Nguy hiểm luôn rình rập

Men theo lối cũ, chúng tôi bắt đầu xuống núi, kết thúc một ngày theo dấu ong. Ai nấy đều đẫm mồ hôi sau một ngày đi rừng tìm kiếm “tinh hoa” của núi rừng.

Về đến nhà nhá nhem tối nhưng không ai tỏ ra mệt mỏi. Trước hiên nhà, anh Mạnh và vợ ngồi cắt những bầu mật. Lưỡi dao khứa đến đâu, lớp mật vỡ ra đến đó, vàng suộm, ngậy mùi thơm của hương hoa rừng. Từng chậu mật đặc sánh lần lượt được lọc qua lớp vải màn rồi rót vào chai để bán.

“Để phân biệt được mật ong rừng và mật ong nuôi chỉ có cách dựa vào khứu giác, vì ong ở rừng sâu thường ăn được nhiều loại hoa nên có mùi thơm hơn. Bên cạnh đó, để phân biệt mật ong pha đường và mật ong nguyên chất chỉ cần cho một giọt mật ra tờ giấy, nếu giọt mật thấm nhanh qua tờ giấy hoặc tan ra thì đó là mật ong “dởm”, chị Hà Hoa - vợ anh Mạnh cho biết.

Những người thợ săn ong treo mình lên vách đá, ngọn cây để lấy mật.
Những người thợ săn ong treo mình lên vách đá, ngọn cây để lấy mật.

Trong hành trình săn ong rừng, tôi được anh Trịnh Hoài Nam (xã Vụ Cầu, Phú Thọ) kể về những vất vả và hiểm nguy luôn rình rập. Thậm chí, chỉ cần một chút chủ quan, thiếu cẩn thận là họ có thể trả giá bằng cả tính mạng.

“Sợ là vì chúng thường làm tổ ở vị trí rất cao. Khi thì cheo leo trên vách đá, khi thì lơ lửng ở cành cây. Bản tính của chúng cũng rất hung dữ và tấn công theo bầy đàn. Phát hiện ra nguy hiểm, cả bầy hàng nghìn, hàng vạn con ong xông vào đốt. Vì vậy, nếu không cẩn thận thì thợ săn ong có thể bị ong đốt hoặc ngã xuống đất”, anh Nam kể.

Tuy là món quà trời ban, thế nhưng anh Nam và những người trong nhóm lại có một nguyên tắc bất di bất dịch là không lấy hết tổ ong mà chừa lại một phần để chúng tiếp tục sinh sản và xây tổ làm mật trở lại.

Nghề săn mật ong rừng tuy vất vả, nguy hiểm nhưng với những người thợ đó là “cứu cánh” để họ có thể lo được miếng cơm manh áo hằng ngày của gia đình những năm mất mùa, thiên tai.

Xem thêm: Thăm làng nghề ủ ấm Sơn Vi, Phú Thọ

Trải nghiệm làng nghề truyền thống ở Yên Tử, Quảng Ninh

Bài và ảnh NGUYỄN THÚY
TIN LIÊN QUAN

Thăm làng nghề ủ ấm Sơn Vi, Phú Thọ

nguyễn thúy |

Sơn Vi - ngôi làng nhỏ tại (Lâm Thao, Phú Thọ) được xem là quê hương của sản phẩm ủ ấm (bình tích). Tại đây, từ bao đời nay, người dân vẫn duy trì nghề ủ ấm theo cách thủ công để bảo tồn nghề truyền thống của cha ông để lại.

Về huyện Thạch Thất thăm làng nghề Chàng Sơn, Thạch Xá

Bài và ảnh Thái A |

Hầu hết quạt giấy được sản xuất ở làng Chàng Sơn, còn chuồn chuồn có nguồn gốc ở làng Thạch Xá (huyện Thạch Thất).

Trải nghiệm làng nghề truyền thống ở Yên Tử, Quảng Ninh

Quỳnh Nga |

Không gian văn hóa Làng Nương dưới chân núi Yên Tử (Quảng Ninh) đang là điểm đến thu hút du khách bậc nhất trong thời gian gần đây.

Thăm làng nghề ủ ấm Sơn Vi, Phú Thọ

nguyễn thúy |

Sơn Vi - ngôi làng nhỏ tại (Lâm Thao, Phú Thọ) được xem là quê hương của sản phẩm ủ ấm (bình tích). Tại đây, từ bao đời nay, người dân vẫn duy trì nghề ủ ấm theo cách thủ công để bảo tồn nghề truyền thống của cha ông để lại.

Về huyện Thạch Thất thăm làng nghề Chàng Sơn, Thạch Xá

Bài và ảnh Thái A |

Hầu hết quạt giấy được sản xuất ở làng Chàng Sơn, còn chuồn chuồn có nguồn gốc ở làng Thạch Xá (huyện Thạch Thất).

Trải nghiệm làng nghề truyền thống ở Yên Tử, Quảng Ninh

Quỳnh Nga |

Không gian văn hóa Làng Nương dưới chân núi Yên Tử (Quảng Ninh) đang là điểm đến thu hút du khách bậc nhất trong thời gian gần đây.